Hợp tác quốc tế
Hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam - Lào (17/08/2021)
-   +   A-   A+   In  
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác bằng hình thức trực tuyến giữa Trường Đại học Cửu Long (Việt Nam) và Vụ Công nghệ và Đổi mới (Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào) tại bốn đầu cầu vừa diễn ra. 

Tại buổi lễ, hai bên thống nhất tiếp tục ký kết các nội dung liên quan như: thực hiện những chuyến thăm hỏi và trao đổi kinh nghiệm của lãnh đạo hai đơn vị; thực hiện chuyển giao công nghệ giữa Trường Đại học Cửu Long và Vụ Công nghệ và Đổi mới (Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào); phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, các báo cáo chuyên đề; thực hiện các chương trình giao lưu văn hóa, các hoạt động về khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và truyền thông; Vụ Công nghệ và Đổi mới - Bộ Công nghệ và Truyền thông (Lào) hỗ trợ Trường Đại học Cửu Long trong công tác tuyển sinh tại Lào,…

Phát biểu tại lễ ký, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua, hai bên đã trao đổi, hợp tác nghiên cứu cũng như hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học của hai nước, tập trung đưa khoa học, công nghệ trở thành động lực, then chốt và trụ cột vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, điển hình là Trường Đại học Cửu Long (Việt Nam) và Vụ Công nghệ và Đổi mới (Lào) đã ký kết và triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức hội nghị, hội thảo và báo cáo chuyên đề cũng như giao lưu văn hóa, giáo dục, đào tạo,…

Để tiếp nối thành công “Diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào 2018”, Trường Đại học Cửu Long và Vụ Công nghệ và Đổi mới (Lào) thống nhất tiếp tục ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, tổ chức các hội thảo, triển lãm, thực hiện các chương trình giao lưu văn hóa, đào tạo cán bộ, xúc tiến chuyển giao công nghệ,... Những hoạt động trên mang ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong việc tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ của Lào, nhất là lĩnh vực đổi mới và chuyển giao công nghệ.

Thời gian qua, nhiều hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ thiết thực từ Việt Nam sang Lào qua những hoạt động cụ thể như: kỹ thuật chế biến măng thương phẩm cho thị trường tại Lào; nghiên cứu chuyển giao công nghệ pin năng lượng mặt trời; chia sẻ về kết quả thử nghiệm lâm sàng sản phẩm phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam; trao 10 suất học bổng 100% đào tạo thạc sĩ và tiếng Việt cho cán bộ khoa học và công nghệ Lào.

Nguồn: nhandan

Số lượt đọc: 2088

Về trang trước Về đầu trang