Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Pháp Francois de Rugy, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề bình đẳng giới Marlène Schiappa và đại diện lãnh đạo cấp cao hai Bên.
Việc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam ký hợp tác với Tập đoàn Airbus Defence và Space về công nghệ vũ trụ và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với INPI mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trong lĩnh vực vũ trụ và sở hữu trí tuệ, góp một phần vào phát triển kinh tế - xã hội hai nước.
Airbus Defence and Space là Tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, vận hành và cung cấp dịch vụ về hệ thống vệ tinh quan sát Trái Đất. Năm 2010 Việt Nam ký hợp đồng cho hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của mình mang tên "VNREDSat-1". Năm 2013, hệ thống này đã được Airbus Defence phóng lên quỹ đạo và vẫn đang tiếp tục chuyển động quanh quỹ đạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao hiệu quả của VNREDSat-1 trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đồng thời thể hiện sự quan tâm đối với hợp tác trong tương lai bao gồm chuyển giao công nghệ và ứng dụng hệ thống vệ tinh thế hệ mới quan sát Trái Đất trao đổi dữ liệu từ Airbus Defense và Space.
Trên cơ sở tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và sử dụng vệ tinh trong nghiên cứu khoa học, theo Ý định thư được ký kết hai bên nhất trí về một số biện pháp để thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới.
Theo đó, hai bên sẽ trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan trong lĩnh vực quan sát Trái đất, tổ chức các sự kiện khoa học và công nghệ như hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong năm 2018 và 2019.
Được biết, từ năm 2009, Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam đã tích cực tham gia Ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ Việt Nam VNREDSat-1, thực hiện các công tác chuẩn bị và đàm phán, thương thảo hợp đồng với Nhà thầu Astrium – EADS, CH Pháp. Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh viễn thám quang học đầu tiên của Việt Nam với độ phân giải cao 2.5m ảnh toàn sắc, 10m – đa phổ. Hiện nay, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cử 15 kỹ sư Việt Nam sang thực tập và tiếp nhận công nghệ tại Cộng hòa Pháp. Ngày 7/5/2013, vệ tinh VNREDSat-1 đã phóng tại Pháp. Sau khi vệ tinh hoạt động ổn định trên quỹ đạo, Viện Công nghệ Vũ trụ được Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao trực tiếp điều khiển và khai thác hiệu quả vệ tinh này.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp được bắt đầu từ ngày 19/7/1994 với việc Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Viện Sở hữu công nghiệ Pháp ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai Bên được thúc đẩy mạnh mẽ, triển khai một cách hiệu quả, đa dạng thông qua Tổ chức Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp giữa hai Cơ quan theo cơ chế luân phiên 02 năm/lần nhằm trao đổi tình hình và kế hoạch hợp tác giữa hai Bên; Tổ chức các Cuộc họp song phương cấp Cục trưởng bên lề Phiên họp thường niên Đại hội đồng thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Tổ chức các Đoàn khảo sát về chỉ dẫn địa lý (năm 2013); Đoàn khảo sát về kinh nghiệm xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ (năm 2015) tại Pháp; và đào tạo nhân lực cho Việt Nam về sáng chế, nhãn hiệu và Kiểu dáng công nghiệp tại Học viện Sở hữu công nghiệp Strasbourg (Pháp).
Với việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác mới, Cơ quan Sở hữu trí tuệ của hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong các các lĩnh vực: trao đổi thông tin tư liệu sở hữu công nghiệp; tăng cường bảo hộ chỉ dẫn địa lý; định giá và xây dựng biểu đồ sáng chế; thương mại hóa tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo cán bộ và các chủ thể liên quan; trao đổi thông tin thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực khác mà hai Bên cùng quan tâm.
Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ cũng là Cơ quan quản lý một số dự án về chỉ dẫn địa lý do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ như Dự án “Tăng cường xây dựng nông thôn thông qua phát triển chỉ dẫn địa lý ở cấp khu vực châu Á” cho 04 nước Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam và Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”.
Hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp được cụ thể hóa bằng Hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Pháp được ký ngày 07/3/2007 với các lĩnh vực hợp tác chính: Công nghệ sinh học, y tế, vật liệu mới, công nghệ thông tin và truyền thông, toán học, vật lý và hoá học ứng dụng, công nghệ nano, hợp chất tự nhiên, môi trường, nông nghiệp…
Trong thời gian tới, Việt Nam và Pháp tiếp tục tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực: Ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và kết nối doanh nghiệp, Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Năng lượng nguyên tử.