Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất muối sạch quy mô tối thiểu 50 ha phù hợp điều kiện sản xuất tại Bình Định và Miền Trung (06/08/2021)
-   +   A-   A+   In  
Muối được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp hóa chất, tiêu thụ muối nhiều gấp 10-20 lần so với lượng muối ăn dùng cho ăn uống trực tiếp thông qua chế biến thực phẩm ăn uống hàng ngày. Từ muối ăn có thể chế ra nhiều loại hóa chất như kẽm clorua dùng trong việc hàn kim loại, thủy ngân clorua dùng trong y dược, natri clorat và hypoclorat dùng làm thuốc hiện ảnh Thực tế muối đang được sản xuất tại các đồng muối của các đồng muối khu vực Duyên hải phía bắc, miền trong và miền nam bộ là loại muối ngắn ngày,hàm lượng NaCl chỉ đạt khoảng 92%, nhưng lại chứa nhiều tạp chất... nên những loại muối tại các cánh đồng này chưa thể dùng cho công nghiệp sản xuất hóa chất. Bên cạnh đó, do sản xuất chủ yếu bằng thủ công, năng suất thấp nên giá muối muối sản xuất tại Việt Nam không có khả năng cạnh tranh về giá so với muối nhập khẩu (muối nhập ngoại chỉ có giá khoảng 28-30 USD/tấn).

Chính vì việc sản xuất và tiêu thụ muối đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề đặt ra trong những năm tới là phải nâng cao chất lượng và hình thức của sản phẩm muối Việt Nam, để đưa sản phẩm muối Việt xâm nhập thị trường thế giới. Muốn làm được điều này thì đòi hỏi các nhà kinh tế phải biết khai thác tốt tiềm năng vốn có về tài nguyên thiên nhiên, về lực lượng lao động của từng vùng kinh tế ven biển. Từ đó, góp phần khôi phục và phát triển nghề muối ở những vùng đất vốn có tiềm năng sản xuất nhưng chưa được khai thác tốt này.

Theo kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 1492/QĐ-BNN-CB ngày 04/5/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra “Đảm bảo sản xuất muối theo hướng hiệu quả, bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu muối cho tiêu dùng dân sinh, các ngành công nghiệp và xuất khẩu sản phẩm muối biển sạch, giàu vi lượng; giải quyết việc làm ổn định, từng bước nâng cao mức sống cho những người lao động trong ngành muối, góp phần tích cực vào việc phòng, chống các bệnh rối loạn do thiếu iốt, gắn với bảo vệ môi trường. Quyết định số 1492/QĐ-BNN đã đưa ra mục tiêu đến năm 2015, tổng diện tích sản xuất muối cả nước phải đạt có 14.660 ha, sản lượng đạt 1.100.000 tấn. Trong đó diện tích sản xuất muối công nghiệp 4.853 ha, sản lượng đạt trên 538.000 tấn, chiếm 48,9%; diện tích sản xuất muối sạch có trải bạt nền ô kết tinh chiếm 20-30% tổng diện tích sản xuất muối.Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất muối ổn định 14.500 ha, sản lượng đạt 2.000.000 tấn, trong đó diện tích sản xuất muối công nghiệp 8.000 ha, sản lượng đạt 1.310.000 tấn, chiếm 65,5%; sản xuất muối sạch có trải bạt nền ô kết tinh chiếm 40-60% tổng diện tích sản xuất muối. Tầm nhìn đến năm 2030 tăng sản lượng muối công nghiệp và muối sạch, đáp ứng nhu cầu muối cho cho tiêu dùng dân sinh, các ngành công nghiệp và tăng tỉ lệ xuất khẩu các loại muối biển sạch, giàu vi lượng; tăng hiệu quả sản xuất, tăng tính cạnh tranh sản phẩm muối, nâng cao đời sống của người dân làm muối. Dự kiến đến năm 2030 diện tích sản xuất muối 16.500 ha, sản lượng muối 2.900.000 tấn, trong đó muối công nghiệp 1.950.000 tấn. Trước các kế hoạch phát triển diện tích, sản lượng các loại muối của ngành muối Việt Nam. Được sự thống nhất của Bộ khoa học & Công Nghiệp, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, nhóm nghiên cứu Công ty cổ phần Muối và Thực phẩm Bình Định do ThS. Trần Đình Khải làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất muối sạch quy mô tối thiểu 50 ha phù hợp điều kiện sản xuất tại Bình Định và Miền Trung” .

Sau một thời gian triển khai, đề tài thu được kết quả như sau:

- Dự án mô hình sản xuất ứng dụng sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt HDPE trên đã tạo ra được muối hạt sạch đạt chất lượng TCCS1 sử dụng làm nguyên liệu chế biến muối tinh dùng gia vị trong gia đình, chế biến thực phẩm. Đặc biệt muối tinh TCCS2 sử dụng làm nguyên liệu sử dụng chế biên muối tinh cung cấp cho ngành dược phẩm.

- Dựa trên tiêu chuẩn TCVN 3973-84, tiêu chuẩn ngành 10 TCN 572-2003 đề tài đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở muối sạch tiêu chuẩn cơ sở 01 (TCCS 01) và muối sạch tiêu chuẩn cơ sở 02 (TCCS 02)

- Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của các thiết bị trong Hệ thống thiết bị sản xuất muối sạch trên quy mô 45ha được lắp đặt tại các nơi sử dụng dễ dàng trên ruộng muối. Các thiết bị được vận hành đồng bộ và đạt chất lượng về yêu cầu sử dụng. Chất lượng muối sản xuất dựa trên các thiết bị theo quy trình sản xuất đều đạt theo tiêu chuẩn cơ sở và vượt chỉ tiêu theo tiêu chuẩn muối ăn việt nam TCVN 9630.

- Đối với các thiết bị lắng, lọc và nhà kính là một công nghệ có tính mới trong đề tài, nhằm loai bỏ các tạp chất tan và không tan có trong nước chạt được khi kết tinh. Do vậy sản phẩm muối được đánh giá đạt chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn muối dùng nguyên liệu cho sản phẩm muối dược phẩm.

- Mô hình sản xuất 5ha có nhà kính là mô hình tiên phong trong cả nước trong sản xuất muối sạch phục vụ ngành dược. Nước chạt trước khi đưa ra ô kết tinh trong nhà kính được loại bỏ nhờ hệ thống lắng, lọc và dùng hóa chất để loại các thành phần Ca2+ , Mg2+ , SO4 2-,... Việc kết tinh muối trong nhà kính đảm bảo không bị tạp chất không tan và tan như cát, sạn, bụi,…có trong không khí, trong nước thâm nhập vào.

- Sử dụng bạt nhựa HDPE trong sản xuất muối có thể ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay (có thể thu hoạch muối sau 7-10 ngày thậm chí 4-5 ngày phơi nước trên sân kết tinh, thay vì 18-20 ngày theo phương pháp truyền thống).

-  Đề tài đã xây dựng được mô hình gắn kết giữa diêm dân và doanh nghiệp, làm tiền đề tạo niềm tin cho bà con diêm dân sản xuất thoát khỏi tình trạng lo âu luôn tồn tại trong ngành nông nghiệp nói chung và ngành muối nói riêng là sản xuất được mùa lại mất giá.

Kết quả của đề tài góp phần thúc đẩy ngành muối Việt Nam phát triển và là tiền đề hình thành liên kết giữa công ty và diêm dân địa phương trong mô hình phát triển chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16377/2019) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2944

Về trang trước Về đầu trang