Tin KHCN trong nước
Thị trường khoa học công nghệ: Chuyển biến tích cực (30/07/2021)
-   +   A-   A+   In  
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) quốc gia đến năm 2030. Thị trường KHCN có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực KHCN, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế. 

Linh động phù hợp từng địa phương

Chương trình phát triển thị trường KHCN quốc gia sẽ góp phần gia tăng giá trị giao dịch hàng hóa KHCN bình quân tăng 30%/năm và trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước. 

Chương trình hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của DN; thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường; tăng hoạt động xúc tiến thị trường…

Điều quan trọng nhất và cũng là nhiệm vụ đột phá mà chương trình mang lại là phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN; xây dựng cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật tích hợp dùng chung về thị trường KHCN. 

Thị trường khoa học công nghệ: Chuyển biến tích cực ảnh 1Nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học tại SHTP Labs, đơn vị có nhiều sản phẩm thương mại hóa 

Chương trình phát triển thị trường KHCN giai đoạn 2015-2020 đã tác động tích cực về mặt KHCN, thu hút đầu tư, góp vốn khá lớn từ các đơn vị tham gia và phối hợp phát triển công nghệ. Các dự án xúc tiến và kết nối cung cầu phát triển thị trường KHCN đạt kết quả tốt với các sự kiện: Kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN... với hơn 3.000 hợp đồng và biên bản được ký.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường KHCN (Bộ KH-CN) cho biết: “Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các bộ ngành, địa phương xây dựng đề án phát triển thị trường KHCN quốc gia đến năm 2030 lồng ghép với kế hoạch, đề án phát triển KHCN của từng bộ ngành, địa phương”.

Hoàn thiện môi trường pháp lý

Giai đoạn 2011-2020, cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KHCN, trong đó, số lượng sàn giao dịch công nghệ phát triển mạnh mẽ. Nếu trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương. 

Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường có xu hướng chuyển biến tích cực. TPHCM luôn thúc đẩy phát triển thị trường KHCN. Trong các cầu nối thực hiện mục tiêu đề ra, Chợ công nghệ và thiết bị TPHCM được Trung tâm Thông tin và thống kê KHCN TPHCM (CESTI, thuộc Sở KH-CN TPHCM) xây dựng và vận hành đã thể hiện rõ vai trò kết nối, chuyển giao, tham gia sâu vào thị trường KHCN.

Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI cho biết, để thúc đẩy thị trường KHCN phát triển, chợ công nghệ đã hỗ trợ bên bán và bên mua giao dịch trực tiếp, tự quyết định các vấn đề như tìm kiếm, giới thiệu, liên hệ, giao dịch… Riêng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng đã có doanh thu từ chuyển giao công nghệ với khoảng 1.300 tỷ đồng. 

Theo ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Ewater Engineering, các chính sách cho thị trường KHCN ảnh hưởng rất lớn đến DN KHCN. Những năm qua, công ty đã chuyển giao, lắp đặt thiết bị xử lý cáu cặn Ewater không dùng hóa chất cho nhiều DN như Công ty CP Dược phẩm Nam Hà (Nam Định), Công ty CP Nha Trang Seafood, Công ty Chế biến thủy sản Hải Nam, Công ty Chế biến hạt điều Lafooco và một số tòa nhà lớn tại TPHCM cũng như xuất khẩu thiết bị sang Malaysia và Indonesia… là nhờ thị trường KHCN phát triển.

“Là DN KHCN, chúng tôi luôn mong muốn thị trường KHCN phát triển. Với chương trình phát triển thị trường KHCN quốc gia đến năm 2030 vừa được ban hành, không chỉ thêm điều kiện thuận lợi cho DN KHCN phát triển mà việc ứng dụng KHCN của nhiều đơn vị khác cũng dễ dàng hơn”, ông Hiếu nói. 

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, thị trường KHCN đã trải qua hơn 10 năm phát triển với nhiều thách thức và thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt, việc từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn cung - cầu và xây dựng các tổ chức trung gian cho thị trường KHCN. Với quyết tâm hoàn thiện pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và thực tiễn, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KHCN… các DN, tổ chức KHCN sẽ được đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian tới.

Nguồn: sggpnews.org.vn

Số lượt đọc: 2527

Về trang trước Về đầu trang