Tin KHCN trong nước
Đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng toàn bộ nền kinh tế (20/07/2021)
-   +   A-   A+   In  
Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng, cần tập trung vào đổi mới công nghệ theo hướng trang bị công nghệ phù hợp trong toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhằm tạo ra tác động tích cực để nâng cao năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp, của các ngành và của toàn bộ nền kinh tế.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ

TheoTS. Chu Thị Bích Ngọc (Khoa Thống kê, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), đổi mới sáng tạo là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Trong quá trình thực hiện cải cách từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã nỗ lực ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.Với môi trường, thể chế, kinh doanh và đầu tư đang từng bước được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo đánh giá của Startup Blink (2020), hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới, trong đó nếu tính riêng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong top 20-25 hệ sinh thái hàng đầu.

Đặc biệt, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đều được cải thiện và đứng thứ hạng cao cùng với các nước phát triển.Theo số liệu của Bộ KH&CN (2020), đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016- 2020 đã tăng lên 45,2% so với mức 33,58% của giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 5,8%/ năm so với giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020...

Bên cạnh đó, những đóng góp về KH&CN và đổi mới sáng tạo trong phát triển KT-XH ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế.Việt Nam tiếp tục đứng đầu trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2020; trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ ba, sau Singapore và Malaysia.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Việc dành nguồn lực đầu tư đã tạo ra nhiều thay đổi về nền tảng cho nghiên cứu khoa học như cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ; từ đó đã có được những đề tài khoa học và sản phẩm công nghệ có giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc tăng trưởng kinh tế vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, biến đổi mới sáng tạo thành tài nguyên vô tận cho tăng trưởng bền vững.

Theo thống kê của Bộ KH&CN (2021), Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập.Số lượng Quỹ Đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu có 108 Quỹ đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 23 Quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 Quỹ thuần Việt. Những con số này liên tục tăng trong những năm qua, thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Chiến lược phát triển KT-XH Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của KH&CN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa. Trong Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030, các nội dung KH&CN và đổi mới sáng tạo được thể hiện đồng bộ, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, bảo đảm được tính kế thừa, phát triển từ các thành công và có tính đến bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định rõ vai trò của các trung tâm đổi mới sáng tạo, cũng như khẳng định DN là trọng tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.Để cụ thể hóa nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP năm 2020, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và khuyến khích thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương và các DN…

Với các giải pháp cụ thể, Chính phủ yêu cầu phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ có tính chiến lược.

Các nghị quyết cũng nêu rõ việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển mạnh, đồng bộ hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số…

Thời gian qua, hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa

Những thách thức cần đối mặt

Cũng theoTS. Chu Thị Bích Ngọc, bên cạnh những thành tựu nổi bật và những nỗ lực tổ chức thực hiện, hiện nay, KH&CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, các chương trình KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa có sự gắn kết với các chương trình liên quan, phân bổ nguồn kinh phí và nguồn nhân lực cho các mục đích và lĩnh vực cụ thể chưa được liên kết một cách có hệ thống;

Các chính sách đổi mới KH&CN của Việt Nam tập trung nghiên cứu và phát triển và sáng tạo tri thức mà chưa tập trung cho các doanh nghiệp lựa chọn, ứng dụng. Hiện nay, vẫn thiếu một giải pháp đủ khả thi để khuyến khích các doanh nghiệp và đầu tư tư nhân vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng KH&CN; Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ít sử dụng và cải tiến công nghệ, đổi mới;

Theo Bộ KH&CN (2020), 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, chưa đổi mới mạnh về tư duy để bắt kịp xu hướng về công nghệ. Các chính sách cũng thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, dẫn đến các sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế trong thương mại hóa, hoặc thiếu các nghiên cứu ứng dụng, điều này làm hạn chế tiến bộ công nghệ đóng góp vào tăng trưởng năng suất

Mặc dù, nguồn lao động của Việt Nam khá dồi dào, song lại thiếu chuyên môn sâu, thiếu trình độ công nghệ cao và các kỹ năng cần thiết. Trong khi đó, yếu tố con người là một trong những điều kiện bắt buộc khi thực hiện đổi mới sáng tạo.Năng lực của các tổ chức nghiên cứu và nhà nghiên cứu còn nhiều hạn chế. Ở cấp độ tổ chức, các viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu đối diện với thực trạng thiếu nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực.

Quy mô của các viện nghiên cứu tương đối nhỏ về cả số lượng nhà nghiên cứu và ngân sách để khai thác quy mô kinh tế và triển khai các nghiên cứu liên ngành. Trong khi đó, năng lực của các nhà khoa học còn hạn chế, thiếu những nhà khoa học hàng đầu; số lượng bằng sáng chế và số lượng tác phẩm được công bố trên các tạp chí quốc tế có danh tiếng bị hạn chế...

Cần phải đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Phát triển mạnh KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế; Phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Thực tiễn cho thấy các quốc gia và vùng lãnh thổ thành công trong quá trình chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập cao đều dựa vào KH&CN, đổi mới sáng tạo (điển hình như Hàn Quốc, Singapore, Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…). Từ kinh nghiệm của các quốc gia thành công và từ thực tiễn nước ta, trong giai đoạn tới đây, để KH&CN, đổi mới sáng tạo thật sự là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần tập trung vào 6 phương hướng trọng tâm.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định. Ảnh: VGP

Đầu tiên, đó là phải hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học tiến hành các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cần có các cơ chế, chính sách mới đột phá, vượt trội và các chính sách thử nghiệm cho các mô hình mới trong phát triển kinh tế, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích và thúc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, tăng cường đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, tập trung vào huy động tối đa nguồn lực xã hội, trong đó từ doanh nghiệp là chủ yếu để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nói riêng và đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo nói chung.Thực tiễn nhiều quốc gia đã thành công trong vượt bẫy thu nhâp trung bình cho thấy các quốc gia này đã rất quan tâm đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo (nhìn chung đều từ 1% GDP trở lên).

Thứ ba, phát triển thị trường KH&CN và đổi mới sáng tạo trên nguyên tắc tiếp cận theo thông lệ quốc tế để tăng nhanh giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN và đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian, môi giới để tăng cường hoạt động dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN bao gồm sàn giao dịch công nghệ, cơ sở dữ liệu tích hợp, dùng chung và các cộng cụ để kết nối thị trường… Hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là đối với các lĩnh vực công nghiệp/ ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Thứ tư, tập trung vào đổi mới công nghệ theo hướng trang bị công nghệ phù hợp trong toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhằm tạo ra tác động tích cực để nâng cao năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp, của các ngành và của toàn bộ nền kinh tế. Từng bước nâng cao trình độ và năng lực công nghệ của quốc gia theo định hướng tăng nhanh tỷ lệ công nghệ cao, giảm dần công nghệ thấp và trung bình, ưu tiên đặc biệt cho xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản trị doanh nghiệp bao gồm cả nhân lực có kỹ năng được đào tạo phù hợp và thích ứng với nhu cầu của thị trường, nguồn nhân lực phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia.

Cuối cùng, đó là là nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp mà trọng tâm là năng lực đổi mới công nghệ và năng lực quản trị doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp để có khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ mới chuyển giao từ nước ngoài và công nghệ tạo ra trong nước, tiến tới tự chủ công nghệ, qua đó từng bước xây dựng nền kinh tế tự chủ của đất nước.

Những cơ chế, giải pháp cụ thể

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Bộ KH&CN hiện đang tập trung triển khai các giải pháp tác động đến 2 nhóm đối tượng trong hệ thống đổi mới sáng tạo.Đầu tiên là đối với doanh nghiệp, Bộ KH&CN sẽ rà soát, sửa đổi các quy định về xét duyệt nhiệm vụ KH&CN theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN vào sản xuất - kinh doanh.

Đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Đặc biệt có chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân, cá nhân và các doanh nghiệp lớn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm cho KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Mặt khác, Bộ cũng triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và làm chủ công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, khai thác sáng chế và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thông tin về KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đối với các viện nghiên cứu, đại học, tổ chức KH&CN, cần có chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu KH&CN. Bộ KH&CN là đầu mối định hướng nội dung hoạt động KH&CN, quản lý điều hành các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phối hợp với Bộ GD&ĐT có cơ chế liên quan đến giảng viên tham gia hoạt động KH&CN ở doanh nghiệp; ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời xác định, quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu KH&CN của Việt Nam trong thời kỳ mới, ngoài hai Viện Hàn lâm: Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Khoa học xã hội Việt Nam, hai Đại học Quốc gia: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu trực thuộc bộ, ngành... cần đặc biệt lưu ý đến các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc doanh nghiệp.

Từ đó, xác định nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu, nguồn lực Nhà nước sẽ tập trung đầu tư, mức độ đầu tư và cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên doanh nghiệp tham gia phát triển KH&CN, củng cố hệ thống các cơ sở nghiên cứu KH&CN; sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đối với các tổ chức KH&CN công lập.

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 2863

Về trang trước Về đầu trang

EMC Đã kết nối EMC