Tin KHCN trong nước
Ứng dụng công nghệ mới tách dịch và thanh trùng sản phẩm gấc (20/01/2015)
-   +   A-   A+   In  

Ông Lê Doãn Lệ cùng cộng sự thuộc Công ty Cổ phần thực phẩm Nghệ An mới đây đã nghiên cứu, cải tiến thành công quy trình tách dịch và thanh trùng sản phẩm gấc. Giải pháp này giúp công ty nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm do có nhiều ưu điểm như cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, áp dụng công nghệ mới giúp tách dịch hiệu quả, thanh trùng dễ dàng công suất tách dịch đạt 2 tấn nguyên liệu/h, công suất thanh trùng làm lạnh lên đến 500 kg sản phẩm/h.

Đáp ứng nhu cầu thực tế

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới đang gặp nhiều khó khăn, sự suy thoái khủng hoảng nền kinh tế diễn ra trong tất cả các lĩnh vực, ngành chế biến thực phẩm cũng không ngoại lệ. Sản phẩm gấc là một mặt hàng chiến lược của nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trong đó có Công ty Cổ phần Thực phẩm Nghệ An. Tuy nhiên, hiện năng suất sản phẩm thấp, chất lượng chưa cao một phần do trang thiết bị sản xuất sản phẩm còn nhiều hạn chế.

 

Sau một quá trình nghiên cứu, thông qua đề tài “Cải tiến quy trình tách dịch và thanh trùng sản phẩm gấc”, nhóm nghiên cứu đã tiến hành cải tiến máy chà tương ớt thành thiết bị máy chà tách dịch gấc đồng thời cải tiến quy trình thanh trùng sản phẩm gấc để tiếp tục tăng năng suất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

 

Theo nhóm nghiên cứu, máy chà tương ớt thay vì sử dụng loại sàng ghép đôi, tạo ra mặt ghép nối không nhẵn có gờ làm cho hạt gấc bị vỡ tạo nên nhiều chấm đen chuyển sang sử dụng loại sàng liền tròn bề mặt lắp ghép trơn nhẵn không có gờ nên hạt gấc không bị vỡ hạn chế chấm đen. Việc sử dụng dao thép được thay thế bằng 2 dao thép, 2 dao cước và thay đổi cơ cấu lắp dao giúp quá trình tách dịch diễn ra thuận lợi và nhanh hơn. Đồng thời, thay đổi quy trình tách dịch từ việc sử dụng hai máy tách độc lập song song chuyển sang việc tách dịch nối tiếp nhau giúp cho việc tận thu nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm.

 

Hệ thống thanh trùng làm lạnh trước đây được thực hiện qua hệ thống làm lạnh bằng thiết bị trao đổi nhiệt bản vi và một bơm đẩy công suất làm lạnh thấp, áp lực bơm lớn làm quá trình làm lạnh, chiết rót tiến hành chậm, không đạt nhiệt độ theo yêu cầu. Sau quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thực hiện cải tiến hệ thống này bằng máy làm lạnh qua 06 ống chùm trao đổi nhiệt và sử dụng 2 bơm hút đẩy nối tiếp, giúp công đoạn thanh trùng làm lạnh, chiết rót đạt hiệu quả cao hơn.

 

 

Giải bài toán kinh tế và nhân lực

Ông Lê Doãn Lệ, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, cấu tạo của máy khá đơn giản, sử dụng lưới sàng đường kính lỗ dưới 0,5mm, loại sàng tròn, kết hợp sử dụng hệ thống dao gạt inox và dao chà bằng chổi cước giúp đảm bảo tỉ lệ thu hồi cũng như giảm chấm đen trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Có thể so sánh, nếu sử dụng máy chà, hệ quy trình thanh trùng làm lạnh cũ, công suất tách dịch đạt 1 tấn/h, hiệu suất thu hồi trung bình 19%, công suất thanh trùng làm lạnh đạt 300kg sản phẩm/h. Mỗi tấn nguyên liệu cần 7.5 nhân công thực hiện. Còn khi sử dụng máy chà và hệ thống thanh trùng mới, công suất tách dịch đạt 2 tấn nguyên liệu/h, hiệu suất thu hồi 22%, công suất thanh trùng làm lạnh đạt 500kg sản phẩm/h, mỗi tấn nguyên liệu cần 3.5 nhân công tách dịch. Theo tính toán, giải pháp mới đã mang lại giá trị kinh tế trong năm đầu tiên áp dụng hơn 220 triệu đồng và có khả năng nâng cao hơn nữa trong thời gian tiếp theo.

 

Hệ thống tách dịch sử dụng công nghệ mới là bước đột phá trong công nghệ để sản xuất sản phẩm gấc. Công trình cải tiến quy trình tách dịch và thanh trùng sản phẩm gấc với cấu tạo máy khá đơn giản, vận hành dễ dàng, dễ tháo lắp, vệ sinh đã góp phần nâng cao chất lượng, công suất, tỉ lệ thu hồi sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Giải pháp đã được áp dụng từ cuối năm 2012 tại Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu - Công ty Cổ phần thực phẩm Nghệ An đến nay, đồng thời cũng là công trình được ứng dụng lần đầu tiên tại Nghệ An.

 

Thành công của công trình góp phần nâng cao chất lượng, công suất, tỷ lệ thu hồi của sản phẩm. Đồng thời tạo cơ hội để sản xuất sản phẩm này với quy mô lớn trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển một loại cây đặc sản của Việt Nam. Đây là mô hình để các doanh nghiệp sản xuất chế biến khác tham khảo áp dụng. Với những ưu điểm đó, công trình đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá là giải pháp tiến bộ khoa học công nghệ có tính mới, tính kỹ thuật cao và mới công trình đã được trao tặng Giải thưởng sáng tạo KH&CN tỉnh Nghệ An năm 2013.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 12239

Về trang trước Về đầu trang