Tin KHCN trong nước
TP.Biên Hòa: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (17/10/2016)
-   +   A-   A+   In  

Với quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp không nhiều và ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa, trong khi đó đến nay thành phố đã cơ bản ngưng hoạt động chăn nuôi trong khu vực nội ô để tránh ô nhiễm môi trường, chính vì vậy việc TP.Biên Hòa lựa chọn hướng đi cho phát triển nông nghiệp đô thị bằng việc triển khai nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao là rất phù hợp.

Trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao là hướng đi phù hợp để phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng bền vững.

Đa dạng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Để lựa chọn những mô hình, đề tài dự án tập trung thực hiện trong thời gian tới, ngày 14-10, UBND TP.Biên Hòa đã tổ chức Hội thảo triển khai nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng danh mục đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ có tính khả thi cao giai đoạn 2017-2020. Tại hội thảo đã có 9 mô hình ứng dụng công nghệ cao được các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Viện, trường, Trung tâm nghiên cứu giới thiệu, gồm: Mô hình trồng rau ăn lá trong nhà màng đạt tiêu chuẩn VietGAP; Mô hình trồng các loại nấm ăn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố; Mô hình trồng rau thủy canh lưu hồi; Mô hình nuôi cá chép giòn trong bè trên lưu vực sông Cái; Mô hình trồng thâm canh các loại lan Mokara; Mô hình chuyển đổi ngưng chăn nuôi heo qua nuôi nhốt và sản xuất dúi móc lớn; Mô hình sản xuất dưa lê vân lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao; Mô hình sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện; Mô hình sử dụng các loại vật liệu mới. Đây đều là những mô hình đã được thực nghiệm thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có khả năng áp dụng vào thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.

Thạc sĩ Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững cho biết, Biên Hòa là đô thị loại I với hơn 1 triệu dân, nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của thành phố là rất lớn, trong đó có sản phẩm rau an toàn. Theo quy hoạch, thành phố sẽ tập trung phát triển các vùng chuyên canh rau an toàn ở Trảng Dài và các phường, xã có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất rau lớn như: Tân Phong, Hố Nai, Tân Biên…Theo xu hướng phát triển, thời gian tới tất cả các sản phẩm rau phải bảo đảm an toàn và truy suất nguồn gốc. Vì vậy, để cung cấp các sản phẩm rau an toàn cho nhu cầu của người dân thành phố, Biên Hòa có thể lựa chọn mô hình trồng rau trong nhà màng hoặc trồng rau theo phương pháp hữu có. Đồng thời chú trọng phát triển trồng rau, quả an toàn phân tán trong các khu dân cư, trong đó thường xuyên tổ chức tập huấn cho nhân dân và nhân rộng mô hình trồng rau mầm an toàn để cung cấp cho hệ thống các siêu thị và phục vụ nhu cầu tại chỗ của nhân dân.

thjtrjl.jpg

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai thực nghiệm thành công tại Trung tâm Ứng dụng CNSH Đồng Nai.

Thạc sĩ Võ Thanh Liêm, Khoa Thủy sản (Đại học Nông lâm TP.HCM) cho biết, TP.Biên Hòa có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi thủy sản, nhất là hoạt động nuôi cá bè trên sông. Tính đến thời điểm này đã có trên 1.000 lồng nuôi. Tuy nhiên thời gian qua, do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, trong khi người nuôi cá vẫn chưa nắm bắt được những kỹ thuật cần thiết để phát triển nghề bền vững hoặc nuôi các đối tượng có tính rủi ro cao, giá cả bấp bênh…nên hiệu quả kinh tế thấp. Để phát huy tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, Biên Hòa có thể phát triển mô hình nuôi cá chép giòn. Đây là đối tượng nuôi có tiềm năng lớn cho cả về hiệu quả kinh tế lẫn đầu ra của sản phẩm.

Ngoài các mô hình trên, hiện nay tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai đã thực nghiệm thành công nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình trồng thâm canh các loại lan Mokara; Mô hình nuôi nhốt và sản xuất dúi móc lớn; Mô hình sản xuất dưa lê vân lưới trong nhà màng…Thạc sĩ Lê Quốc Vương, Trưởng phòng Chuyển giao công nghệ (Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai) cho biết, trên diện tích 1.000m2, nếu  trồng dưa lưới trong nhà màng trên nền đất, nông dân sẽ thu về 57,5 triệu đồng, trong khi chi phí bỏ ra khoảng 43,7 triệu đồng, lợi nhuận ước đạt 13,7 triệu đồng/1.000 m2. Đặc biệt, dưa lưới nếu trồng trong nhà màng có thể trồng quanh năm (khoảng 3-4 vụ/năm), nên lợi nhuận thu về là khồng hề nhỏ.

Ưu tiên lựa chọn những mô hình có tính ứng dụng cao

Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp TP.Biên Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, TP.Biên Hòa sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững; đồng thời sản xuất nông nghiệp của thành phố còn giữ vai trò quan trọng trong việc giữ lại các không gian xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp để phát triển đô thị…Trong đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên ha đất đạt 481 triệu đồng/năm; đến năm 2030 đạt 750 triệu đồng/ha/năm.

nfmgj.jpg

Biên Hòa tổ chức hội thảo để lựa chọn những mô hình, đề tài, dự án có tính ứng dụng cao và phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố.

Ông Phan Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, mục đích của hội thảo là nhằm định hướng trong việc lựa chọn đề tài, dự án khoa học và công nghệ để thành phố thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, qua đó đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả cao vào công tác quản lý Nhà nước, sản xuất, kinh doanh và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Riêng trên lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ ưu tiên lựa chọn những mô hình có tính ứng dụng cao vào thực tế và phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh, việc ngưng chăn nuôi trong nội ô TP.Biên Hòa là rất cần thiết nhằm tránh ô nhiễm môi trường quanh khu dân cư. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho đối tượng này là “một bài toán khó” cho thành phố, bởi phần lớn số lao động gắn bó với ngành chăn nuôi đều là những người lớn tuổi, không thể xin vào các khu công nghiệp. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch giết mổ và xử lý rứt điểm các cơ sở giết mổ không phép cũng đang đặt ra cho Biên Hòa nhiều thách thức. Chính vì vậy, việc TP.Biên Hòa định hướng phát triển nông nghiệp đô thị bằng việc triển khai nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao là rất phù hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, những mô hình ứng dụng công nghệ cao được giới thiệu tại hội thảo để Biên Hòa lựa chọn không phải là những mô hình mang tính chất nghiên cứu mà đều là các mô hình đã được tổ chức thực nghiệm thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao và các đơn vị sẵn sàng phối hợp, chuyển giao cho thành phố.

 

Nguồn: dost-dongnai.gov.vn

Số lượt đọc: 5784

Về trang trước Về đầu trang