Tin KHCN trong nước
Kết quả xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021 (15/05/2021)
-   +   A-   A+   In  
Tháng 11/2020, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) đã thông báo về việc tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021 (https://nafosted.gov.vn/thong-bao-ve-viec-to-chuc-giai-thuong-ta-quang-buu-nam-2021/) và tiếp nhận 41 hồ sơ đăng ký từ các tổ chức KH&CN và các nhà khoa học trên khắp cả nước. Các hồ sơ tiếp nhận phân bố ở cả 8 ngành trong lĩnh vực KHTN&KT, trong đó Vật lý và Khoa học Nông nghiệp là các ngành có nhiều hồ sơ nhất (9 hồ sơ/ngành).

Quy trình đánh giá Giải thưởng năm 2021 được thực hiện theo quy định (như các năm trước), bao gồm kiểm tra điều kiện hồ sơ; xin ý kiến chuyên gia phản biện; đánh giá tại Hội đồng Khoa học ngành của Quỹ (HĐKH) và Hội đồng Giải thưởng (HĐGT). Kết quả, các HĐKH đề xuất 02 đề cử Giải thưởng chính và 02 đề cử Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (https://nafosted.gov.vn/de-cu-giai-thuong-ta-quang-buu-nam-2021/) để xem xét tại HĐGT.

Các hồ sơ đề cử đã được rà soát, hoàn thiện và gửi xin ý kiến chuyên gia phản biện quốc tế (trung bình 3 phản biện/hồ sơ) trước phiên họp của HĐGT. Ngày 29/4/2021, HĐGT năm 2021 đã tiến hành phiên họp đánh giá xét chọn hồ sơ. HĐGT năm nay, ngoài các Chủ tịch HĐKH ngành của Quỹ còn có sự tham gia của GS. Pierre Darriulat (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và GS. Henry Nguyen. T (Trường Đại học Missouri, Mỹ). Sau hơn 4 tiếng thảo luận và bỏ phiếu, HĐGT đã quyết định không đề xuất trao tặng Giải thưởng cho các hồ sơ đề cử.

Ngày 13/5/2021, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt đề xuất của HĐGT. Như vậy, năm nay Bộ KH&CN sẽ không tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là Giải thưởng thường niên của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có vai trò chính trong các công trình khoa học xuất sắc, được thực hiện tại Việt Nam, công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng được triển khai từ năm 2013, trong 07 năm vừa qua đã tiếp nhận hơn 360 hồ sơ đăng ký tham dự, trao tặng 16 Giải thưởng chính và 04 Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ.

Năm nay, mặc dù số lượng hồ sơ tham gia đánh giá xét chọn của Giải thưởng tương đương với số lượng hồ sơ các năm vừa qua với nhiều ứng viên tiềm năng, số lượng hồ sơ được các HĐKH đề cử khá hạn chế cả về số lượng (04) và lĩnh vực (các đề cử chỉ thuộc 02 lĩnh vực Khoa học Trái đất và Môi trường và Khoa học Nông nghiệp). Các hồ sơ HĐKH đề cử năm nay đều thuộc lĩnh vực thực nghiệm, liên quan đến các vấn đề đang được thế giới quan tâm (biến đổi khí hậu – công trình của PGS.TS. Ngô Đức Thành, TS. Bùi Minh Tuân) hoặc có đóng góp trong phát triển kinh tế xã hội (sử dụng chất thay thế kháng sinh để phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản – công trình của TS. Đỗ Hữu Hoàng, kết hợp các ưu điểm của các kỹ thuật khác nhau, đem lại hiệu quả tổng hợp ưu việt, tạo ra cây giống chất lượng cao, áp dụng đối với cây hoa Cúc – công trình của TS. Hoàng Thanh Tùng).

Tại phiên họp của HĐGT ngày 29/4/2021, các thành viên HĐGT đã xem xét, cân nhắc đề cử của các HĐKH ngành trên tinh thần đảm bảo chất lượng của Giải thưởng (https://tiasang.com.vn/-tin-tuc/Giai-thuong-Ta-Quang-Buu-2021-Den-luc-nghi-ve-nhieu-giai-thuong-tre-28101). GS.TSKH. Ngô Việt Trung, Chủ tịch HĐGT cho biết “nhìn vào chất lượng công bố quốc tế của khoa học cơ bản, liên quan đến các ngành khoa học mà Quỹ tài trợ, tôi nghĩ là số lượng các bài báo trong các tạp chí hàng đầu đã tăng lên rõ rệt và tốt hơn rất nhiều so với thời kỳ đầu mà chúng ta bắt đầu triển khai giải thưởng này” (Theo Tạp chí Tia Sáng). Tuy nhiên, các thành viên HĐGT cho rằng số lượng và chất lượng của hồ sơ đề nghị trao tặng Giải thưởng hàng năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan hoặc chủ quan, như tình hình nghiên cứu, sự quan tâm, chú trọng của các tổ chức và cá nhân đến công tác đề cử/ứng cử Giải thưởng hoặc các tác động của xã hội đến việc công bố các kết quả nghiên cứu (dịch Covid-19).


Cũng tại phiên họp, các thành viên HĐGT đã trao đổi, thảo luận các vấn đề nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định của Giải thưởng như xem xét mở rộng số lượng giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ, thời điểm xét chọn (thường niên hay định kỳ) hay việc đề cử, tự ứng cử Giải thưởng.



Toàn cảnh phiên họp HĐGT Tạ Quang Bửu năm 2021



Thứ trưởng Phạm Công Tạc – Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng và GS.TSKH Ngô Việt Trung – Chủ tịch HĐGT Tạ Quang Bửu năm 2021 tại phiên họp

 

Số lượng hồ sơ được đề cử từ tổ chức, cá nhân năm 2021 chiếm 32% tổng số hồ sơ tiếp nhận (13/41) tiếp tục xu thế tăng trong các năm gần đây, nhưng tỷ lệ này còn thấp. Các thành viên HĐGT cho rằng, trong các năm tiếp theo, Cơ quan thường trực Giải thưởng cần tiếp tục đẩy mạnh việc đề cử, giới thiệu của các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân đối với các ứng viên tiềm năng theo thông lệ quốc tế đồng thời thể hiện trách nhiệm và sự trân trọng của các tổ chức khoa học và công nghệ, của đồng nghiệp đối với các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu xuất sắc.

 

 

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 3445

Về trang trước Về đầu trang