Tin KHCN trong tỉnh
Cải tiến công nghệ để giảm thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản (28/04/2021)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 24/4, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh BR-VT tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 các tỉnh phía Nam triển khai kế hoạch Quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030.

NGÀNH NTTS ĐỐI MẶT NHIỀU KHÓ KHĂN

Dự và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, dư địa phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) và xuất khẩu thủy sản rất lớn. Những năm gần đây, ngành NTTS nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc. Đến nay, tổng sản lượng NTTS khoảng 4,6 triệu tấn/năm. Giá trị xuất khẩu thủy sản mỗi năm đạt gần 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, ngành thủy sản còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, ngành này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo ước tính, tổng mức độ tổn thất do các yếu tố bất lợi gây ra cho ngành thuỷ sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh là nặng nề nhất. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh trong NTTS giữ vai trò then chốt quyết định thành hay bại đối với ngành này.

Cung cấp thêm thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính riêng trong 4 tháng năm 2021, tổng diện tích NTTS của cả nước bị thiệt hại do các yếu tố bất lợi là hơn 3.733ha, chủ yếu là thiệt hại do dịch bệnh. Nặng nề nhất là nghề nuôi tôm nước lợ (lên đến 3.466ha). “Trong những tháng tiếp theo của năm 2021, ngành NTTS sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh. Một số bệnh chủ yếu cần lưu ý: bệnh gan thận mủ, bệnh do ký sinh trùng, bệnh xuất huyết, thối đuôi, phù đầu (đối với cá tra:), hoại tử thần kinh (VNN); bệnh sữa (MHD-SL), xuất huyết, trắng gan…”, ông Nguyễn Ngọc Tiến nhận định.

THỨ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN
Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thủy sản
Ngành NTTS cả nước hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản luôn giữ vai trò then chốt trong việc hỗ trợ ngành NTTS phát triển bền vững và thúc đẩy tăng trưởng. Phòng chống dịch bệnh tốt cũng là nâng cao uy tín cho sản phẩm thủy sản Việt Nam, là cơ sở dữ liệu khoa học để nước ta đấu tranh, tháo gỡ rào cản thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu cho thủy sản của Việt Nam. Xác định rõ ảnh hưởng của công tác phòng chống dịch thủy sản trong bối cảnh hiện nay, Quyết định số 434/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/3/2021 phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030” đã tạo một cơ sở quan trọng để cả nước cùng tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản. Do đó, ngành nông nghiệp cần tham mưu cho UBND các địa phương nhanh chóng triển khai Kế hoạch để NTTS đạt hiệu quả bền vững. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thủy sản, có những biện pháp cụ thể, chặt chẽ về phòng chống dịch bệnh, quy định an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh, nguồn nguyên liệu an toàn, nhằm đảm bảo an ninh lượng thực, hướng tới xuất khẩu.
ÔNG NGUYỄN CÔNG VINH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Tạo điều kiện tốt nhất để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững
Năm 2020, giá trị sản xuất chung của ngành thủy sản BR-VT là 26.597 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khai thác đạt 24.408 tỷ đồng, giá trị nuôi trồng ước đạt 2.347 tỷ đồng. Riêng về NTTS, hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng của tỉnh là hơn 7.176ha (diện tích nước ngọt là 2.056ha, nước mặn, lợ là 5.120ha). Các đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ, tôm sú, nhuyễn thể và nuôi cá lồng bè.
Thời gian qua, nghề NTTS đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Do đó, tỉnh luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để nghề NTTS phát triển một cách bền vững và đạt năng suất cao.


Tại BR-VT, hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hơn 7.176ha. Xu hướng NTTS tại địa phương đang chuyển biến theo hướng ứng dụng công nghệ cao nên NTTS ít chiếm diện tích và cũng ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Trong đó, diện tích  NTTS nước ngọt 2.056ha, nuôi nước mặn, lợ 5.120ha. Các đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ, tôm sú, nhuyễn thể và cá lồng bè... Đáng chú ý là hiện nay, BR-VT đang phát triển mạnh hình thức nuôi tôm công nghệ cao, hệ thống tuần hoàn khép kín với sự đầu tư về trang thiết bị và hệ thống kiểm soát môi trường tối đa.

TĂNG CƯỜNG NTTS CÔNG NGHỆ CAO

Theo Cục Thú y (Bộ NN - PTNT), sở dĩ thiệt hại trong NTTS những năm qua diễn biến phức tạp, ngoài yếu tố ngoại cảnh (thiên tai, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu), việc kiểm soát dịch bệnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như, người nuôi chưa chủ động khai báo diện tích bị thiệt hại hoặc dịch bệnh trừ khi có hỗ trợ hóa chất phòng chống dịch; thông tin, số liệu về thủy sản nhiễm bệnh không dựa trên kết quả xét nghiệm, chủ yếu quan sát dấu hiệu lâm sàng hoặc thông tin từ người nuôi nên không đảm bảo tính chính xác; kế hoạch phòng chống dịch bệnh còn chậm, kinh phí thấp; hoạt động giám sát chủ động còn hạn chế, phạm vi, tần suất giám sát và số mẫu giám sát ít...

Về các giải pháp hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, tại hội nghị, ông Trần Công Khôi, Vụ phó Vụ NTTS, Tổng cục Thủy sản cho biết, ngoài việc điều chỉnh, xây dựng lịch thời vụ phù hợp với từng địa phương, ngành NTTS cần thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm; thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, giảm thiểu tối đa cho người nuôi. Riêng trong năm 2020, Tổng cục Thủy sản đã triển khai công tác quan trắc và giám sát môi trường định kỳ tại 144 điểm NTTS trọng điểm tại 3 miền Bắc- Trung –Nam. Qua đó đã kịp thời ban hành 245 dự báo biến động môi trường, cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh và khuyến cáo kịp thời đến cơ quan quản lý địa phương và ngư dân.

Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm có gần 45.000ha và trên 26.000 lồng NTTS trên cả nước bị thiệt hại do các yếu tố thời tiết bất lợi và dịch bệnh, tổn thất ước tính 2.900 tỷ đồng/năm. Riêng trong năm 2020, đã có trên 46.200 ha và gần 10.300ha NTTS bị thiệt hại, tổn thất trên 2.500 tỷ đồng.


Nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh trên NTTS, ông Trần Công Khôi đề xuất cần có các chính sách khuyến khích phát triển các mô hình NTTS áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn nhận thức NTTS tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đồng thời tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ, các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do biến đổi khí hậu. Cùng với đó, chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao; phát triển nuôi thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tạo khối lượng sản phẩm lớn.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 5633

Về trang trước Về đầu trang