Tin KHCN trong tỉnh
Hỗ trợ phát triển bền vững ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm (02/12/2019)
-   +   A-   A+   In  
Theo nhiều chuyên gia, BR-VT là địa phương có điều kiện tốt về khí hậu, nguồn nước để phát triển mạnh mẽ ngành nuôi tôm. Trong chuyến thăm một số trại nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ngày 30/11, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ xây dựng quy hoạch cụ thể cho các vùng nuôi tôm, đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN đẩy mạnh sản xuất, phát triển bền vững ngành nuôi tôm, nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến.

NHIỀU MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

Công ty TNHH Minh Phú - Lộc An (huyện Đất Đỏ) là một trong những DN có dự án nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích khoảng 300ha, tổng vốn đầu tư hơn 720 tỷ đồng. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐTV của công ty này cho biết, trang trại nuôi của DN đang áp dụng mô hình nuôi công nghệ cao theo hình thức siêu thâm canh (mật độ từ 200-350 con/m2). Các ao nuôi được thiết kế theo quy cách hồ tròn, trải bạt, nổi trên mặt đất. Quy trình nuôi tôm được ứng dụng theo hình thức “2-3-4”. Cụ thể là 2 giai đoạn (ương giống và nuôi), thu 3 lần/vụ và 4 sạch (giống sạch, nước sạch, đáy ao sạch và sạch kháng sinh). Với việc áp dụng quy trình nuôi tiên tiến này, năm 2019 sản lượng ước tính của trại nuôi Công ty Minh Phú - Lộc An hơn 5 ngàn tấn tôm, đạt lợi nhuận trên 155 tỷ đồng.

Thu hoạch tôm tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú - Lộc An (huyện Đất Đỏ).

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 3.300ha diện tích nuôi tôm thương phẩm, năng suất bình quân là gần 6.000 tấn/năm. Những năm qua, đã có nhiều DN, người dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Hiện nay, toàn tỉnh có 16 mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 291ha, sản lượng ước tính hơn 2 ngàn tấn/năm. Ngoài ra, mới đây UBND tỉnh cũng đã công nhận 1 phần diện tích trong dự án 300ha khu nuôi tôm của Công ty TNHH Minh Phú - Lộc An là vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu tôm BR-VT trên thị trường.Còn theo ông Bùi Thế Vương, chủ cơ sở nuôi tôm Liên Giang (xã An Ngãi, huyện Long Điền), ông bắt đầu xây dựng mô hình sản xuất tôm công nghệ cao từ tháng 5/2019. Ngoài áp dụng quy trình 3 sạch (nước sạch - giống sạch - đáy ao sạch), ông được Công ty CP Việt Nam chuyển giao công nghệ nuôi 4 giai đoạn (1 giai đoạn ương giống và 3 giai đoạn chuyển tôm sang các ao nuôi khác). Ông Vương cho biết: “Các ao nuôi của DN được thiết kế sử dụng nước tuần hoàn, kiểm soát được chất lượng nên việc ô nhiễm gây dịch bệnh trên tôm gần như không xảy ra, tỷ lệ tôm sống lên đến 90%. Cùng với đó, các ao nuôi đều được lót bạt đáy và bờ, có hệ thống ôxy đáy, máy cho ăn tự động, hệ thống siphon, quan trắc môi trường tự động. Sản lượng tôm ước tính của toàn bộ ao nuôi của cơ sở là trên 200 tấn”.

TIẾP TỤC HỖ TRỢ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH NUÔI TÔM

Dù đã có những mô hình thành công, nhưng ngành nuôi tôm nói chung và những DN ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ và mong muốn có sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương. Trong đó, các vướng mắc chủ yếu là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.

Công ty TNHH Ngọc Tùng (trụ sở tại phường 12, TP. Vũng Tàu) là một trong những DN đầu tiên đầu tư nuôi tôm công nghệ cao tại Trung tâm Sản xuất giống thủy sản tập trung Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Tuy nhiên, đại diện công ty này cho biết, dù đã đi vào hoạt động nhiều năm, cơ sở hạ tầng tại khu vực này vẫn chưa được đầu tư. Hệ thống đường giao thông, điện sản xuất, nhất là kênh ngăn mặn không được xây dựng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Do đó, DN kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, nhanh chóng đưa xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vòng ngoài như điện, đường, kênh mương để các nhà đầu tư thuận lợi trong sản xuất, nuôi trồng.

Còn theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, hiện nay, trang trại nuôi tôm tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) của DN đang khó khăn về nguồn nước mặn. Để giải quyết khó khăn này, DN đang hoàn tất thủ tục để xây dựng đường ống ngầm dẫn nước mặn từ cửa biển Lộc An vào trang trại nuôi. Xây dựng đường ống dẫn nước mặn này xong, các tổ chức, cá nhân có diện tích nuôi ngoài vùng dự án có nhu cầu hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sẽ được DN chuyển giao công nghệ nuôi, chia sẻ nguồn nước sạch từ biển xa và bao tiêu toàn bộ đầu ra theo cơ chế thị trường, từ đó, phát triển ngành nuôi tôm trong vùng.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, trong chuyến khảo sát các cơ sở nuôi tôm vừa qua, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn DN hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định. Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt các vùng nuôi tôm của tỉnh. Trong đó, cần tính toán cụ thể, mở rộng diện tích các khu vực có điều kiện nuôi tôm thuận lợi. Còn những vùng đang nuôi tôm nhưng thực tế cho thấy không phù hợp, sở có thể tham mưu để thu hẹp diện tích. “Không chỉ các vùng nuôi, cơ quan chức năng cần tính toán, khảo sát lại để tham mưu lãnh đạo tỉnh vị trí phù hợp xây dựng các khu sản xuất, chế biến hải sản nói chung và tôm nói riêng. Sau khi xác định được vị trí, các ngành, địa phương cần có phương án xây dựng kết cấu hạ tầng như kênh, mương, điện, đường để phục vụ ngành nuôi trồng, chế biến. Mục tiêu cuối cùng là tạo nên các không gian phù hợp, lâu dài cho sự phát triển của ngành nuôi tôm BR-VT”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 6262

Về trang trước Về đầu trang