Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu bệnh do vi bào tử trùng gây ra trên tôm nuôi nước lợ (31/03/2021)
-   +   A-   A+   In  
Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành sản xuất thực phẩm quan trọng nhất, cung cấp nguồn protein giàu dinh dưỡng cho con người trên toàn thế giới. Trong đó, con tôm là một trong những loại thực phẩm được ưa chuộng nhất, chiếm 15% trong tổng thương phẩm thủy sản được trao đổi, buôn bán trên thị trường.

Tôm sú và tôm thẻ là hai loài được nuôi phổ biến nhất, chiếm 80% tổng sản lượng tôm trên toàn cầu. Những kỹ thuật nuôi trồng thủy sản hiện đại, mật độ cao nhằm đạt được sản lượng cao đã làm mất cân bằng môi trường nước và thường dẫn đến dịch bệnh. Từ lâu, những bệnh trên tôm thường gặp do vi khuẩn và vi rút đã được nghiên cứu sâu rộng. Những tác nhân gây bệnh này gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người nuôi tôm, như bệnh đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHD), CMD, WTD, AHPND… Tuy nhiên, bên cạnh các tác nhân gây bệnh trên, bệnh do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) đã và đang âm thầm ảnh hưởng đến ngành nuôi tôm châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Mặc dù, bệnh do vi bào tử trùng EHP không gây ra chết tôm cấp tính nhưng làm tôm còi cọc, chậm lớn, gây thiệt hại kinh tế một cách đáng kể cho người nuôi tôm sú và tôm thẻ. Bệnh do vi bào tử trùng trên tôm nuôi nước lợ được phát hiện từ lâu, nhưng cho đến nay các công trình nghiên cứu về loại này trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng còn đơn lẻ.

Trên thế giới, các nghiên cứu chủ yếu về phân loại học và chẩn đoán bệnh bằng kỹ thuật phân tử cho một vài loài đã biết. Toàn bộ hệ gen của loài vi bào tử trùng này hiện chưa được giải trình tự, do đó việc cải thiện phương pháp chẩn đoán bệnh bằng phản ứng chuỗi polymerase dựa trên axit nucleic (polymerase chain reaction – PCR) gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nhóm nghiên cứu đề tài do TS. Vũ Khắc Hùng, Phân viện Thú y miền Trung, Viện thú y đứng đầu đã tiến hành triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bệnh do vi bào tử trùng gây ra trên tôm nuôi nước lợ”.  Việc nghiên cứu một cách toàn diện có hệ thống để đánh giá về đặc điểm sinh học, dịch tễ học và đưa ra quy trình chẩn đoán và biện pháp phòng trị bệnh do vi bào tử trùng gây ra trên tôm nuôi nước lợ là cấp thiết, nhằm góp phần phát triển nghề nuôi tôm ở nước ta theo hướng bền vững.

Trong nghiên cứu này, nhóm đề tài lựa chọn địa điểm lấy mẫu tại các tỉnh: Bạc Liêu và Kiên Giang ở đồng bằng Sông Cửu Long là các tỉnh có diện tích thả nuôi tôm nước lợ dẫn đầu cả nước, đồng thời lựa chọn Ninh Thuận ở khu vực Nam Trung Bộ là 2 tỉnh có sản lượng tôm giống cao. Theo số liệu của Tạp chí thủy sản Việt Nam, Bạc Liêu là tỉnh có diện tích thả nuôi nhiều nhất. Tính đến đầu tháng 3/2015, Bạc Liêu đã thả nuôi được 185.639 ha tôm. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú hơn 100.000 ha, còn lại là diện tích tôm thẻ chân trắng. Về tổng sản lượng, năm 2014, Bạc Liệu đạt 95.700 tấn, chiếm gần 1/4 sản lượng tôm chất lượng cao của cả nước. Xếp sau Bạc Liêu, Kiên Giang thả nuôi tôm trên 90.389 ha năm 2014 và trên 109.000 ha đến tháng 3/2015 (tôm sú trên 108.000 ha, tôm thẻ chân trắng trên 840 ha), đạt sản lượng 51.430 tấn. Về sản xuất tôm giống, theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 6/2015, cả nước có 2.250 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó tôm sú là 1.700 cơ sở và tôm chân trắng và 550 cơ sở (chưa kể các cơ sở ương dưỡng tôm giống). Sản lượng giống sản xuất ước đạt 62 tỷ con giống (trong đó tôm chân trắng 45 tỷ, tôm sú 17 tỷ con). Các trại sản xuất tôm nước lợ chủ yếu tập trung ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Trong đó, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên chiếm khoảng 40% tổng số trại sản xuất giống tôm trên cả nước; cung cấp khoảng 70% lượng tôm giống của cả nước.

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, nhóm đề tài đưa ra một số kết luận như sau:

- Đã xác định tỷ lệ nhiễm vi bào tử trùng trên 371 tôm nuôi là: Ninh Thuận 29,81% (48/161), Bạc Liêu 3,85% (4/104), Kiên Giang 2,83% (3/106). Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cho thấy 38/60 mẫu sinh vật phù du và 9/15 mẫu cá dương tính với EHP. Giải trình tự xác định loài vi bào tử trùng gây bệnh trên tôm là Enterocytozoon hepatonaei (EHP). Tất cả các chủng đều tương đồng 100% khi so sánh độ tương đồng nucleotide của mẫu với nhau. Đã xây dựng quy trình chẩn đoán bệnh do vi bào tử trùng EHP trên tôm nuôi nước lợ được công nhận Tiến bộ Kỹ thuật.

- Kết quả PCR khi kiểm tra mối liên quan của bệnh do EHP và bệnh do các loại vi rút khác gây ra cho thấy: khi bị nhiễm EHP, tôm nuôi có khả năng cao sẽ bị bội nhiễm cùng với vi rút IHHNV, ngoài ra còn có thể gặp WSSV. Kết quả mô bệnh học cho thấy có nhiều khối khu trú của vi bào tử trong khối gan tụy và cơ tôm. Các ống gan tụy bị bong tróc và hoại tử. Các tế bào gan tụy có biểu hiện nhân kết đặc lại và co cụm, số lượng tế bào dạng R thấp đáng kể so với tôm khỏe mạnh. EHP truyền được từ tôm nhiễm bệnh sang tôm khỏe mạnh theo đường truyền ngang, đồng thời tôm mẹ có thể truyền EHP sang ấu trùng tôm con từ giai đoạn Nauplius theo đường truyền dọc.

- Đã xây dựng quy trình phòng chống bệnh do vi bào tử trùng EHP trên tôm nuôi nước lợ và thử nghiệm quy trình phòng chống bệnh do vi bào tử trùng khi kết hợp sản phẩm Proxitane® 12:20 trên ao nuôi ngoài thực địa.

Nhóm đề tài cũng đề nghị điều tra rộng hơn mối liên hệ giữa bệnh do vi bào tử trùng EHP và các bệnh do các loại vi rút khác gây ra trên tôm.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15554/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2576

Về trang trước Về đầu trang