Tin KHCN trong nước
Thầy giáo làm thiết bị điểm danh trong trường học (23/05/2022)
-   +   A-   A+   In  

Thiết bị của anh Lê Đức Quốc, trường THCS-THPT Thạnh Lộc (Kiên Giang) phát triển, có thể hỗ trợ phòng dịch và quản lý học sinh thuận tiện hơn, vừa được giải khuyến khích Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022.

Sản phẩm được anh Lê Đức Quốc (36 tuổi), giáo viên dạy môn công nghệ tại trường nghiên cứu, phát triển trong 6 tháng, nhằm phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi học sinh đi học trực tiếp, giúp giáo viên quản lý học sinh trên phần mềm mà không cần làm thủ công như trước đây. Hệ thống đã thử nghiệm thực tế tại 2 phòng học của trường THCS-THPT Thạnh Lộc từ đầu năm đến nay và được đánh giá cao.

Với tính năng đo thân nhiệt, khi học sinh đi vào khu vực đo, camera nhiệt sẽ hoạt động thông qua 2 động cơ servo tự động xoay 180 độ theo chiều cao của học sinh. Khi đến vị trí phù hợp, cảm biến nhiệt độ sẽ hoạt động, nếu vượt quá mức nhiệt cài đặt, thiết bị tự động thông báo bằng chuông, đèn và gọi điện trực tiếp đến nhân viên y tế của trường. Hình ảnh được camera chụp lại, lưu trữ và gửi đến nhân viên y tế để xác định thông tin học sinh, phục vụ phòng chống dịch.

Anh Lê Đức Quốc, giáo viên trường THCS-THPT Thạnh Lộc với chiếc máy đo thân nhiệt và điểm danh do mình sáng chế. Ảnh: NVCC

Anh Lê Đức Quốc, giáo viên trường THCS-THPT Thạnh Lộc với chiếc máy đo thân nhiệt và điểm danh do mình sáng chế. Ảnh: NVCC

Theo anh Quốc, việc tự động điều chỉnh camera phù hợp với chiều cao học sinh giúp khắc phục được nhược điểm của một số hệ thống đo thân nhiệt hiện nay phải dùng hệ thống nâng hạ bằng xi-lanh. Cải tiến này giúp hệ thống trở nên gọn gàng, an toàn do không sử dụng bất kỳ cảm biến nào tác động lên mặt người. "Thông thường, với mỗi hệ thống đo thân nhiệt phải có một người theo dõi ở đó. Nhưng hệ thống này không cần người quản lý tại chỗ, giảm nhân lực nhưng vẫn quản lý tốt trong phòng dịch", anh Quốc chia sẻ.

Phía dưới camera đo thân nhiệt là một thiết bị hồng ngoại dùng để quẹt thẻ RFID điểm danh học sinh. Thông tin học sinh sẽ được định danh trên thẻ và lưu trữ trên hệ thống dữ liệu nhà trường. Khi quẹt thẻ, hệ thống nhận diện học sinh thông qua hình ảnh từ camera. Mỗi học sinh mất khoảng 3 - 4 giây để thực hiện xong một lượt điểm danh. Thông tin việc điểm danh được gửi tới phụ huynh thông qua email hoặc tin nhắn điện thoại giúp họ quản lý thời gian học con mình.

Hiện, hệ thống đang chạy thử nghiệm tại 2 phòng học của trường và được giáo viên, học sinh hưởng ứng vì tính hiệu quả. Anh Quốc chia sẻ, khi mở rộng hệ thống ra toàn trường, chỉ cần đầu tư phần lập trình, nạp thêm thông tin vào phần mềm để quản lý. Trung bình mỗi phòng học khoảng 40 học sinh cần đầu tư 500.000 - 600.000 đồng cho hệ thống điểm danh, còn với mỗi máy đo nhiệt độ chi phí khoảng 2 triệu đồng.

Anh Quốc cho biết, hệ thống chạy ở trường đôi lúc bộc lộ bất cập khi dữ liệu truyền có độ trễ lớn hơn do ảnh hưởng tín hiệu wifi. "Nếu có đường truyền ổn định hơn tôi tin tưởng hệ thống sẽ hoạt động hiệu quả", anh nói và cho biết hệ thống được bảo mật hai lớp, đảm bảo dữ liệu học sinh được an toàn, không bị đánh cắp. Ngoài trường học, sản phẩm cũng có thể ứng dụng ở các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức xã hội để phòng Covid-19 và quản lý nhân sự.

Thiết bị điểm danh, đo thân nhiệt của anh Quốc. Ảnh: NVCC

Thiết bị điểm danh, đo thân nhiệt của anh Quốc. Ảnh: NVCC

Đánh giá về sản phẩm, giáo viên Nguyễn Khoa Mỹ, Tổ trưởng tổ bộ môn Công nghệ - Âm nhạc - Mỹ thuật, trường THCS-THPT Thạnh Lộc cho biết, đây là sản phẩm công nghệ rất hữu ích, thể hiện sự tìm tòi nghiên cứu của thầy Quốc. Hệ thống thử nghiệm nhiều tháng ở trường nhưng chưa phát sinh lỗi, hay vấn đề lớn.

"Trước đây giáo viên chủ nhiệm phải trực tiếp đến trường hoặc nhắn tin cho trường để biết học sinh vắng. Khi hệ thống vận hành, thông tin được tự động gửi cho giáo viên nên các thầy cô đỡ vất vả hơn. Việc đo thân nhiệt tự động cũng giúp trường kiểm soát được học sinh nghi nhiễm, nên số lượng em mắc Covid-19 rất ít", ông Mỹ nói.

Tại Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022, Ban giám khảo đánh giá sản phẩm của tác giả Lê Đức Quốc phát triển gắn với nhu cầu thực tế và thể hiện tinh thần khoa học công nghệ cao, truyền cảm hứng cho học sinh đam mê nghiên cứu.

Thầy giáo Lê Đức Quốc (thứ tư từ trái qua) nhận giải thưởng từ Ban tổ chức. Ảnh: Tùng Đinh

Tác giả Lê Đức Quốc (thứ tư từ trái qua) nhận giải thưởng từ Ban tổ chức. Ảnh: Tùng Đinh

Đây cũng là mục tiêu cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 của VnExpress kỳ vọng tạo ra sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ; hướng tới các nhà khoa học chuyên và không chuyên, tuổi dưới 40, tìm kiếm và thúc đẩy những ý tưởng sản phẩm có giá trị thiết thực giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Ban tổ chức đã trao 1 giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng. Toàn bộ tiền giải thưởng do quỹ Hope (Hy vọng) tài trợ. Đây là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo điện tử VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.

 

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 989

Về trang trước Về đầu trang