Tin KHCN trong nước
Sáng kiến máy ép rác thủy lực của người lính Hải quân (17/03/2021)
-   +   A-   A+   In  

Máy ép rác thủy lực với thiết kế nhỏ gọn, giúp ép gọn rác thải, phù hợp với điều kiện hoạt động của tàu ngầm, là sản phẩm của nhóm tác giả Thiếu tá Phan Văn Bình, Trưởng ngành 4-7 và Thượng úy Võ Chí Luận, Sỹ quan Thông tin, Tàu 186, Lữ đoàn 189 Hải quân.

Đại diện nhóm tác giả cho biết, khi tàu đi biển, để hạn chế rác thải nhựa, hầu hết các vật dụng hậu cần đều dùng vật liệu sử dụng nhiều lần, nhưng do yêu cầu bảo quản thực phẩm trên tàu ngầm nên số lượng túi nilon và đồ nhựa vẫn được sử dụng với số lượng nhất định. Do số lượng rác thải lớn, nhiều chủng loại nên khi đóng gói rất cồng kềnh, dẫn đến khó cất giữ, chiếm nhiều diện tích, khi để lâu ngày trong tàu sẽ phát sinh chất độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của bộ đội. Trước những yêu cầu cấp bách trên, nhóm tác giả đã ra đời sản phẩm máy ép rác thủy lực trên tàu ngầm.

Theo Thiếu tá Phan Văn Bình, máy ép rác thủy lực chỉ nặng khoảng 15 kg, các bộ phận của máy có thể tháo rời, thuận lợi khi di chuyển và bảo quản; giá thành sản xuất rẻ, tận dụng các nguyên liệu sẵn có để chế tạo.
          
Máy sử dụng thủy lực độc lập, không phụ thuộc vào hệ thống thủy lực của tàu nên có thể sử dụng trong bất kỳ điều kiện nào. Lực ép của máy có thể điều chỉnh tùy thuộc vào loại vật liệu cần ép. Ngoài ra, máy còn có thể ép kết hợp với đóng gói sản phẩm ngay sau khi ép. Bên dưới đế của máy có thiết bị thu gom nước thải chảy ra trong quá trình ép, đảm bảo vệ sinh.
          
Sau khi được xử lý toàn bộ rác thải nhựa, chất rắn và rác vô cơ thu nhỏ thành từng khối nhỏ gọn, đưa về cất giữ trong các túi nilon sinh học ở khoang số 0 để đem vào bờ xử lý khi tàu cập cảng, vừa bảo đảm vệ sinh, vừa an toàn cho sức khỏe của thủy thủ đoàn. 
          
Nói về ưu điểm lớn nhất của máy, Thượng úy Võ Chí Luận cho biết, sản phẩm rất dễ sử dụng trong mọi điều kiện; vận hành thao tác đơn giản, khi ép chỉ cần một người vận hành; máy có thể ép tất cả các loại rác thải trên tàu như chai nhựa, chai thủy tinh, các sản phẩm làm bằng xốp sử dụng một lần.
          
"Nếu như trước đây, rác thải của thủy thủ đoàn lên tới 100 người thì với biện pháp đóng gói thông thường sẽ có 10 túi/ngày nhưng từ khi đưa máy ép rác vào hoạt động, chỉ còn 2 túi rác/ngày", Thượng úy Võ Chí Luận chia sẻ.
          
Với những công dụng trên, máy ép rác được Lữ đoàn 189 sử dụng rộng rãi trong tất cả các tàu ngầm khi đi biển, mang lại hiệu quả và phù hợp với điều kiện sinh hoạt, công tác dưới tàu ngầm. Cục Kỹ thuật Hải quân đã quyết định nhân rộng máy ép rác, đưa vào sản xuất hàng loạt cho tất cả tàu ngầm, để phục vụ công tác xử lý và thu gom rác thải trên tàu ngầm.
          
Điều cải tiến nhất là sản phẩm mới đã được thêm hệ thống hỗ trợ ép bằng công nghệ khí nitơ lỏng tuần hoàn theo chu trình kín của bình tích áp, giúp giảm công sức cho bộ đội. Người ép không phải trực tiếp thao tác ép bằng cần thủy lực, lên tới hơn 200 lần mới phải bổ sung khí. Các vật liệu được sử dụng để chế tạo máy tinh gọn, thẩm mỹ bền chắc hơn.
          
Đánh giá cao về sản phẩm, đại diện Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân cho biết, những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân luôn được Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, với sự ra đời của Câu lạc bộ tài năng trẻ Lữ đoàn. Trên thực tế, nhiều sản phẩm, mô hình ứng dụng và sáng kiến cải tiến kỹ thuật ra đời đã mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và công tác của Lữ đoàn, đặc biệt là trên các tàu ngầm, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao của đơn vị. Trong các sản phẩm đó, mô hình “Máy ép rác thủy lực trên tàu ngầm” đang được sử dụng rất thiết thực và hiệu quả. Sản phẩm đã đạt giải Nhất trong Hội thi mô hình học cụ, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật năm 2020 của Lữ đoàn.

 

Nguồn: TTXVN

Số lượt đọc: 1991

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)