Tin KHCN nước ngoài
Sử dụng trí tuệ nhân tạo để chống lãng phí thực phẩm (05/03/2021)
-   +   A-   A+   In  
Thời gian gần đây, các công ty Nhật Bản đang tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tiên tiến khác để giảm lãng phí thực phẩm cũng như chi phí xử lý thực phẩm thừa.

Chính phủ Nhật Bản cho biết, mỗi năm quốc gia này chi khoảng 2.000 tỉ yen (khoảng 19 tỉ USD)/năm để xử lý hơn 6 triệu tấn thực phẩm bị bỏ đi. Với tỉ lệ lãng phí thực phẩm tính trên đầu người cao nhất châu Á, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành luật mới để giảm 50% chi phí vào năm 2030 so với các mức của năm 2000 và thúc đẩy các công ty tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson Inc bắt đầu sử dụng công nghệ AI của công ty DataRobot (Mỹ), để ước tính lượng sản phẩm như cơm nắm, bánh mì kẹp cá ngừ, có thể không bán được. Lawson đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm 30% lượng hàng đang tồn kho và 50% lượng rác thải thực phẩm tại tất cả cửa hàng, lần lượt so với các mức của năm 2018. Đối với Lawson, xử lý thực phẩm lãng phí là chi phí lớn nhất sau chi phí lao động.

Trong khi đó, nhà sản xuất đồ uống Suntory Beverage & Food Ltd đang thử nghiệm với một sản phẩm AI khác của Fujitsu Ltd để cố xác định xem liệu hàng hóa như các chai trà ô long và nước khoáng có bị hư hại trong quá trình vận chuyển hay không.

Công việc này vốn rất tốn công sức của nhân viên. Suntory đặt mục tiêu giảm 30-50% lượng hàng hóa bị trả lại, cắt giảm chi phí lãng phí thực phẩm và phát triển một hệ thống tiêu chuẩn chung có thể chia sẻ với các nhà sản xuất thực phẩm khác và các công ty vận chuyển.

Các mặt hàng thực phẩm trong sự kiện giới thiệu mô hình cửa hàng tiện lợi của Lawson. 

Sau một thời gian làm việc cho công ty thương mại Nhật Bản ở Trung Quốc và nhận thấy lượng lớn lãng phí từ các nhà chế biến thực phẩm, ông Tatsuya Sekito đã thành lập Kuradashi - công ty thương mại điện tử chuyên bán các thực phẩm gần hết hạn với mức giảm giá tốt - vào năm 2014. Ông Sekito cho biết doanh số của công ty năm ngoái tăng 2,5 lần so với một năm trước, trong khi lượng rác thải thực phẩm tăng gấp đôi kể từ khi COVID-19 cắt đứt chuỗi cung ứng thực phẩm.

Trong khi đó, những công ty khác cũng hợp tác với các công ty thực phẩm trong việc phát triển nền tảng công nghệ mới giúp giảm lãng phí thực phẩm, một trong những nỗ lực toàn cầu nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Chẳng hạn như việc NEC Corp đang sử dụng AI không chỉ phân tích dữ liệu như thời tiết, lịch và xu hướng của khách hàng trong việc ước tính nhu cầu mà còn đưa ra lý do đằng sau phân tích của mình.

NEC đã triển khai công nghệ này cho một số nhà bán lẻ và nhà sản xuất thực phẩm lớn, giúp họ giảm chi phí từ 15% -75%. Công ty hy vọng sẽ chia sẻ và xử lý dữ liệu thông qua một nền tảng chung giữa các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và hậu cần, nhằm giảm thiểu sự “thiếu ăn khớp” trong chuỗi cung ứng.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Hàn Quốc đang được xem là quốc gia đi đầu điển hình về việc chống lãng phí thực phẩm. Hiện Hàn Quốc dẫn đầu về xử lý thực phẩm thừa, đẩy mạnh tỷ lệ tái chế thực phẩm bỏ đi từ mức 2% năm 1995 lên 95% năm 2019.

Sở dĩ Hàn Quốc đạt được thành tựu ấn tượng như trên là vì nước này đã áp dụng các công nghệ sáng tạo như sử dụng thùng rác thông minh, thúc đẩy sản xuất lương thực địa phương bằng cách thiết lập các trang trại đô thị, cũng như bắt buộc mỗi hộ gia đình tuân thủ kế hoạch tái chế thực phẩm thừa tại nhà.

Vậy chính xác Hàn Quốc đã làm cách nào để tái chế phần lớn thực phẩm mà họ lãng phí? Năm 2013, quốc gia Ðông Á này bắt đầu thực hiện chương trình tái chế thực phẩm thừa bắt buộc. Theo đó, các hộ gia đình phải chi 6USD/tháng để mua túi thực phẩm phân hủy sinh học để đựng thực phẩm thừa. Số thực phẩm này sau đó được thu gom để tái chế làm phân bón. Chương trình cũng khuyến khích các hộ gia đình Hàn Quốc ủ phân tại nhà và cắt giảm lượng thực phẩm thừa.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 1138

Về trang trước Về đầu trang