Tin KHCN trong nước
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (08/03/2021)
-   +   A-   A+   In  
Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...

Thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đặc biệt, thị trường khoa học - công nghệ phát triển mạnh, đã có 15 sàn giao dịch, 50 vườn ươm công nghệ ra đời.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta được tăng cường; hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia được hình thành; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển khá. Hiện đã có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, hình thành nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm.

Những đóng góp về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ để trình Chính phủ, Quốc hội nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính để phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tập trung nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, tập trung triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, nhất là các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ thực thi có hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ từ các nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín ở nước ngoài. Đồng thời, Bộ thực hiện tái cơ cấu và tổ chức triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn mới theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới các chuẩn mực phù hợp với thông lệ quốc tế, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và tăng cường sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh; Kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, phát huy vai trò của hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn kết với các địa phương thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Đặc biệt, Bộ chú trọng thúc đẩy các giải pháp nhằm tăng cường xã hội hóa đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Bộ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp, phát huy Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Ảnh minh họa 

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...

Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bộ hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt

Liên quan tới các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho hay, từ kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là quá trình đầu tư lâu dài của Chính phủ cũng như quá trình phát triển nội tại của văn hóa kinh doanh.

Do đó, hiện Bộ Khoa học & Công nghệ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 với ba nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để thúc đẩy phát triển của loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, hình thành và phát triển nền kinh tế sáng tạo.

Hai là, hình thành và phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh với vai trò hạt nhân kết nối, phát triển hệ sinh thái và hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực giữa hệ thống các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.

Ba là, phát triển 3 tỉnh/thành phố đạt xếp hạng trong 100 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi thế giới và 1 tỉnh/thành phố đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của châu Á- Thái Bình Dương đến năm 2025. Phát triển 5 tỉnh/thành phố đạt xếp hạng trong 100 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi thế giới và 2 tỉnh/thành phố đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của châu Á- Thái Bình Dương đến năm 2030.

Hiện nay, Bộ Khoa học & Công nghệ đang tiếp tục lấy thêm ý kiến của các bộ, ngành, các cấu phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để tiếp tục hoàn thiện đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 36/QĐ/TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 1376

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)