Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác.
Về đầu tư trọng tâm, trọng điểm, Chiến lược phấn đấu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, ra-đa cho vệ tinh quan sát Trái đất; lắp ráp, tích hợp, kiểm tra ở trong nước vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao; làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh, các bộ phát đáp cho vệ tinh viễn thông; hình thành năng lực định vị dẫn đường của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định vị dẫn đường sử dụng vệ tinh toàn cầu hiện có.
Về ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ, mục tiêu đặt ra là chủ động, kịp thời giám sát, hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các hoạt động, biến đổi của thiên nhiên, các biến động xã hội trên diện rộng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam; cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông, định vị, dẫn đường, cảnh báo dựa trên dữ liệu vệ tinh cho người dân.
Về phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ vũ trụ, Chiến lược phấn đấu đào tạo được đội ngũ khoảng 300 chuyên gia, 3000 kỹ sư triển khai trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư nâng cấp khoảng 10 phòng thí nghiệm chuyên sâu; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học vũ trụ, công nghệ vũ trụ, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ…
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược sẽ thực hiện hoàn thiện thể chế, khung pháp lý quốc gia; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường…
Trong đó, Chiến lược sẽ thực hiện hoàn thành đầu tư dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ nghiên cứu về vật lý địa cầu, vật lý thiên văn, vũ trụ học, môi trường không trọng lực, y sinh học vũ trụ, thời tiết vũ trụ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp, kiểm thử vệ tinh nhỏ; nghiên cứu xây dựng, triển khai phương án kịp thời thay thế 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2; đầu tư phát triển năng lực quan sát Trái đất dựa trên vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao, bằng công nghệ cảm biến quang học, ra-đa, kết hợp với thiết bị bay không người lái; nghiên cứu, đề xuất giải pháp, tổ chức thực hiện đề án xây dựng và phát triển năng lực định vị dẫn đường quốc gia; đầu tư hoàn thiện hạ tầng quốc gia về hệ thống thông tin địa lý, phục vụ công tác quản lý, giám sát lãnh thổ, lãnh hải, các công trình trọng yếu cấp quốc gia.
Về phát triển nguồn nhân lực, Chiến lược nêu rõ: Thành lập mới, nâng cấp tối thiểu 05 cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu làm chủ, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ gắn với định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ; xây dựng, ban hành mã ngành đào tạo, khung chương trình, chuẩn đầu ra cho chuyên ngành hàng không học và vũ trụ; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, bao gồm khoảng 05 nhóm về khoa học vũ trụ, 15 nhóm về công nghệ vũ trụ, bảo đảm cơ cấu nhân lực hợp lý, có tính kế thừa, đủ năng lực chủ trì các hướng nghiên cứu ưu tiên; Tổ chức thực hiện các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng cho công tác hoạch định chính sách, thực thi quản lý nhà nước, hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ.
Về phát triển thị trường: Nghiên cứu, bổ sung kịp thời các công nghệ, sản phẩm thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ vào Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng hệ sinh thái, khuyến khích hình thành doanh nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo dựa trên sản phẩm, dịch vụ mới từ khoa học và công nghệ vũ trụ kết hợp với các công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy hình thành thị trường ở trong và ngoài nước cho dịch vụ chụp ảnh bề mặt Trái đất, kênh truyền qua vệ tinh, ứng dụng hệ thống định vị dẫn đường của Việt Nam; xây dựng cơ chế hỗ trợ khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về quan sát Trái đất, phát triển các dịch vụ xử lý dữ liệu từ vệ tinh; triển khai thí điểm phương án thuê ngoài cung cấp các dịch vụ xử lý dữ liệu vũ trụ cho các cơ quan, tổ chức thuộc Nhà nước; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản phẩm có tính lưỡng dụng giữa dân sự và quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê, đánh giá tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội của lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ.
Để nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ vũ trụ, Chiến lược xác định: đẩy mạnh phổ biến kiến thức chung, hình thành chuyên mục khoa học thường thức về hàng không học và khoảng không vũ trụ trên các tạp chí dành cho thế hệ trẻ, trang tin điện tử, kênh truyền hình quảng bá; thúc đẩy nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tiềm năng phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ; triển khai các hình thức truyền thông phục vụ nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nội hàm, tiềm năng của khoa học và công nghệ vũ trụ đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia.