Tin KHCN trong nước
Ra mắt nền tảng khai phá dữ liệu, biến ‘mớ hỗn độn thành điều đơn giản” (18/12/2020)
-   +   A-   A+   In  

Đây là tuyên bố của Viettel về tính năng nổi bật của Viettel Data Mining Platform trong lễ ra mắt sáng 18/12 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Nền tảng này do Trung tâm Không gian mạng Viettel phát triển với mục đích giúp chính quyền và doanh nghiệp ra quyết định thông qua việc thấu hiểu dữ liệu của chính mình.

Cụ thể, với doanh nghiệp, nền tảng này giúp hỗ trợ tổng hợp dữ liệu phân tán từ trong và ngoài tổ chức; chuyển đổi dữ liệu phi cấu trúc (ngôn ngữ, văn bản, tiếng nói, hình ảnh, video) thành dữ liệu có cấu trúc; tích hợp các công cụ phân tích, khai phá dữ liệu tiên tiến để người dùng dễ dàng tìm ra các giá trị mới cho doanh nghiệp từ dữ liệu; cung cấp hệ thống báo cáo chuyên sâu về khoa học dữ liệu như hệ thống phân tích đa chiều BI Reporting thông qua trực quan hoá,... Viettel Data Mining Platform cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp giám sát danh tiếng, phân tích thị hiếu khách hàng, phân tích giá cả, đưa ra chân dung khách hàng,.

Với cơ quan chính phủ, nền tảng này giúp xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cấp bộ, tỉnh; tổng hợp dữ liệu để xây dựng bức tranh toàn cảnh về công dân điện tử phục vụ việc tự động hoá dịch vụ hành chính công, y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh…; xây dựng hệ thống báo cáo, giám sát phục vụ quản lý và điều hành.

Bà Đỗ Thị Hải Yến – Giám đốc sản phẩm, cho biết, Viettel Data Mining Platform tích hợp các công nghệ chính gồm: công nghệ lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn; công nghệ trí tuệ nhân tạo trong xử lý ngôn ngữ và giọng nói tiếng Việt; các công cụ, thuật toán khai phá dữ liệu lớn; công nghệ DPI Crwal hỗ trợ thu thập dữ liệu trên Internet và mạng xã hội.

Bên cạnh đó, nền tảng này còn kết hợp nhiều kiến thức ngành chuyên sâu như: kinh doanh, tài chính, nhân sự, quản lý chất lượng… để giúp tối ưu vận hành doanh nghiệp. Cụ thể, nó có khả năng dự báo dự đoán, phân tích rủi ro; phát hiện gian lận tài chính; ngăn ngừa tai nạn lao động; tránh thất thoát tài sản vật tư; giảm thiểu hàng tồn kho...

Viettel tin rằng nền tảng này có khả năng sắp xếp nguồn dữ liệu vô tận thành tri thức số và tìm ra điều đơn giản từ mớ hỗn độn.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường - Cục Phó Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu như cách đây 15 năm, mỗi giây thế giới tạo ra 10 gigabyte dữ liệu thì giờ đây, mỗi giây trên thế giới tạo 1 terabyte dữ liệu, nghĩa là gấp 1.000 lần. Nhưng dữ liệu chỉ thực sự có giá trị khi nó được sử dụng công nghệ để phân tích và đưa ra thông tin hỗ trợ ra quyết định nhanh, chính xác - ông Đường nói.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 2224

Về trang trước Về đầu trang