Tin KHCN trong nước
Kết quả xây dựng chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (01/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, năm 2023, công tác xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật và triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trước hết, đối với việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, năm 2023, Bộ KH&CN tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện môi trường thể chế về KH,CN&ĐMST, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN.

Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 32 đề án/văn bản (gồm 02 đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 10 đề án/văn bản trình Chính phủ, 20 đề án/văn bản trình Thủ tướng Chính phủ). Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13/32 đề án/văn bản thuộc lĩnh vực KH&CN; 19/32 đề án/văn bản còn lại đang được Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Cụ thể:

Bộ đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới; trình Ban Bí thư dự thảo Chỉ thị về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương: (i) tổng kết, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; (ii) xây dựng văn bản mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Năm 2023, Bộ cũng tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về KH&CN. Cụ thể, đã trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (ii) hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN để đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025; (iii) triển khai tổng kết tình hình thực hiện Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm tiến độ trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) trước ngày 01/8/2024,...

Đồng thời, Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 49 Thông tư; Lãnh đạo các tỉnh/thành phố đã ban hành 384 văn bản về KH,CN&ĐMST để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.

Tập trung nghiên cứu, sửa đổi các Thông tư quản lý chương trình/nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Chương trình, nhiệm vụ KH&CN ở tất cả các cấp; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư sửa đổi, thay thế Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước .

 Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 690/TTg-KGVX ngày 30/7/2023, Bộ đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổng hợp, rà soát, đánh giá các đề xuất, kiến nghị để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá, các giải pháp toàn diện, hiệu quả để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đổi mới mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST.

Thực hiện các nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Về thực hiện chương trình/nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tính đến ngày 22/12/2023, Bộ KH&CN được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 220 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 92 nhiệm vụ (chiếm 41,8%), đang thực hiện 123 nhiệm vụ trong hạn (chiếm 56%), quá hạn chưa hoàn thành 05 nhiệm vụ (chiếm 2,2%).

Đồng thời, xây dựng các báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Tổng hợp, tham mưu các nội dung phục vụ Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng tham dự Chương trình Kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội khóa XV và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định; trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực KH&CN tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Ban hành kế hoạch hành động của Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Xây dựng các báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV. Tiếp nhận và nghiên cứu trả lời 31 kiến nghị của cử tri, 13 chất vấn của đại biểu Quốc hội được gửi đến từ Văn phòng Chính phủ và Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng các báo cáo thực hiện hoạt động giám sát, báo cáo tổng hợp trả lời và tình hình giải quyết các kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội; tổng hợp, cung cấp thông tin của ngành KH&CN để đưa vào các báo cáo tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các báo cáo có liên quan khác;…

Theo dõi, đôn đốc tổng hợp bộ chỉ số ĐMST toàn cầu và xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương. Về bộ chỉ số ĐMST toàn cầu (GII): Tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối theo dõi bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của WIPO. Theo Báo cáo GII 2023 do WIPO công bố ngày 27/9/2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 07 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Việt Nam cũng là một trong 03 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (bên cạnh Ấn Độ và Cộng hòa Moldova). Trong 13 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

Về bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII): Đã xây dựng kế hoạch chính thức triển khai Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 trên phạm vi toàn quốc theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023. Đến nay, Bộ KH&CN đã tiếp nhận, kiểm tra thẩm định dữ liệu, hồ sơ minh chứng của 63 địa phương; hoàn thiện, gửi xin ý kiến các chuyên gia quốc tế độc lập do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chỉ định. Bộ KH&CN sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai chỉ số PII năm 2023 và dự kiến công bố vào tháng 01/2024.

Chủ trì triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đầu mối tổng hợp, cập nhật các số liệu về kết quả thực hiện các mục tiêu, chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư của các bộ, ngành liên quan; xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ gửi Ban Kinh tế Trung ương về việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; Chiến lược nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5868

Về trang trước Về đầu trang