Tin KHCN trong nước
Kết nối cung cầu công nghệ 4.0 – Nhà khoa học và doanh nghiệp (17/12/2020)
-   +   A-   A+   In  

Đó là chủ đề Tọa đàm do Viện Công Nghệ Thông tin, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức diễn ra ngày 16/12/2020.

Tham gia tọa đàm có các nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp sinh viên các trường Đại học. Tọa đàm “Kết nối cung cầu công nghệ 4.0 – Nhà khoa học và doanh nghiệp” được tổ chức nhằm tạo cầu nối giữa đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học và doanh nghiệp. Tạo cơ hội để các nhà khoa học chia sẻ với các nhà quản lý doanh nghiệp để đặt ra những vấn đề, xu thế và tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển, cùng nhau tìm kiếm những cơ hội hợp tác.

Các chủ đề xoay quanh buổi tọa đàm gồm: Phát triển nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho hệ sinh thái ngành Fintech; Giải pháp ứng dụng Machine Vision với công nghệ Deep Learning cho công nghiệp sản xuất màn hình hiển thị; Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh trong Smart City; Giám sát điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng trong đô thị tại Việt Nam; Phát triển robot tự hành thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và định hướng ứng dụng; Phát triển hệ thống quan trắc tự động trên nền IoT và định hướng ứng dụng.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện Trưởng Viện Công nghệ Thông tin cho biết, 3 chủ thể chính để tạo sự phát triển gồm Nhà nước – Doanh nghiệp – Đơn vị nghiên cứu. Trong đó Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều hành; 2 chủ thể còn lại tạo ra động lực phát triển. Nếu các đơn vị nghiên cứu (bao gồm cả các trường đại học) có nhiệm vụ tìm tòi, sáng tạo, đặt ra các vấn đề có tính đột phát thì doanh nghiệp sẽ sử dụng các kết quả nghiên cứu đó để hiện thực hóa, tạo ra sản phẩm cho xã hội. TS. Thắng cũng đặt ra vấn đề trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, áp lực chuyển đổi số tác động đến tất cả các lĩnh vực trong đó công nghệ thông tin là lĩnh vực phải đi tiên phong. TS. Thắng đặt kỳ vọng các đại biểu tham gia buổi buổi Tọa đàm sẽ cùng nhau đặt và giải đáp các bài toán về ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển.

PGS.TS. Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ có 4 hướng nhiệm vụ chính, trong đó có 2 nhiệm vụ có sự tham gia của doanh nghiệp. Nhiệm vụ chính của Ban là đưa kết quả nghiên cứu vào doanh nghiệp, tạo sự phát triển cho doanh nghiệp. PGS.TS. Hà Quý Quỳnh hi vọng thời gian tới các kết quả nghiên cứu của các đơn vị trong Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được đưa ra ứng dụng thực tiễn tại các doanh nghiệp.

Trình bày báo cáo về “Phát triển nền tảng công nghệ AI cho hệ sinh thái ngành tài chính – Ngân hàng (Fintech)” TS. Nguyễn Việt Anh, Viện Công nghệ Thông tin nhận định, Tài chính – Ngân hàng là lĩnh vực có nhu cầu ứng dụng công nghệ sớm và lớn nhất. Tất cả các giao dịch của Tài chính – Ngân hàng đều cần ứng dụng công nghệ. Với sự phát triển của công nghệ, có những doanh nghiệp hoạt động tài chính tuy mới ra đời nhưng đã có số vốn lớn hơn cả những doanh nghiệp có tuổi đời hàng trăm năm. Việc ứng dụng công nghệ vào ngành Tài chính – Ngân hàng đã và đang được tự động hóa ở mức cao nhất và xu thế ứng dụng AI đang được đẩy mạnh.

Giới thiệu về “Giải pháp ứng dụng Machine Vision với công nghệ Deep Learning cho công nghiệp sản xuất màn hình hiển thị”. KS. Nguyễn Anh Sơn, Công ty Cognex (Mỹ) cho biết, trên một thiết bị điện thoại thông minh thì màn hình chính là linh kiện có giá thành cao nhất, chiếm 40-50% giá trị sản phẩm. Cấu trúc của màn hình gồm nhiều lớp ghép lại với nhau với độ chính xác cao, trong quá trình sản xuất nếu xảy ra sai sót trong việc ghép các lớp này sẽ gây thiệt hại rất lớn. Do vậy, việc kiểm soát và cân chỉnh để tránh sai sót là việc bắt buộc phải làm. Hiện tại, các hãng sản xuất lớn mỗi ngày sản xuất hàng triệu sản phẩm với độ chính xác cỡ nano mét thì việc kiểm soát bằng mắt thường là không thể. Công ty Cognex là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu việc phát triển ứng dụng Machine Vision để giám sát, cân chỉnh sai số trong quá trình sản xuất màn hình và đã được một số công ty lớn như Apple, Samsung… ứng dụng. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, gần đây Cognex đã tích cực áp dụng AI Deep Learning để nâng cao độ chính xác trong việc nhận dạng từ đó tăng hiệu quả giám sát.

Công nghệ xử lý ảnh đã và đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, một trong số đó là để xây dựng SmartCity. TS. Ngô Ngọc Thành, Công ty Cổ phần Beet Innovators giới thiệu công nghệ nhận diện khuôn mặt phục vụ các công tác như: giám sát an ninh, chấm công, điểm danh… Một trong số vấn đề rủi do trong công nghệ nhận diện khuôn mặt là bị “fake” tức là phải phân biệt được giữa khuôn mặt của người thật với ảnh hoặc tượng. Sản phẩm do nhóm TS. Thành nghiên cứu đã khắc phục được nhược điểm này, bên cạnh đó Hệ thống phần mềm, thiết bị do Công ty cổ phần Beet Inovators xây dựng còn có khả năng chia sẻ tránh việc phải tạo lập hồ sơ nhiều lần cho cùng một người. Ngoài công nghệ nhận diện khuôn mặt, TS. Thành cũng giới thiệu công nghệ nhận diện biển số xe và một số công nghệ nhận diện khác ứng phục vụ công tác giám sát, an ninh cũng như xác thực thông tin.

ThS. Ngô Minh Luân giới thiệu hệ thống “Giám sát điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng trong đô thị tại Việt Nam” của Công ty Cổ phần kỹ thuật công nghệ Ecotek. Đây là một hệ thống bao gồm nhiều thành phần như thiết bị chiếu sáng,dây dẫn, tủ điều khiển và phần mềm điều khiển trung tâm. Hệ thống gồm các chức năng, đặc điểm nổi bật như: Công nghệ, thiết bị hiện tại, thông minh; Quản lý vận hành thông minh, tiết kiệm; Có khả năng mở rộng một cách linh hoạt; Hoàn toàn chủ động về công nghệ, thiết bị; Giám sát, cảnh báo trực quan, kịp thời, chính xác; hỗ trợ tổng hợp, phân tích đánh giá một cách toàn diện. Hiện tại, hệ thống đang được ứng dụng tại rất nhiều đơn vị như các Trung tâm sát hạch lái xe, Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng tại một số thành phố lớn,…

Ngoài các báo cáo đến từ các doanh nghiệp đã ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, Viện Công nghệ thông tin cũng giới thiệu sản phẩm “Robot tự hành thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo” và “Hệ thống quan trắc tự động trên nền IoT”.

Tại mỗi chủ đề, các đại biểu tham gia Tọa đàm đều đặt câu hỏi thảo luận, trao đổi như: Khả năng ứng dụng thực tế, sản xuất tại Việt Nam ra sao; giá thành sản phẩm khi hoàn thiện; tính bảo mật thông tin, dữ liệu; khả năng và chi phí nâng cấp.

Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất luôn là vấn đề khiến nhà khoa học trăn trở. Kết quả nghiên cứu khoa học dù có tốt đến đâu nhưng nếu không ứng dụng được vào thực tế thì cũng không có nhiều ý nghĩa.

Buổi tọa đàm được tổ chức đã tháo gỡ được phần nào đó những vướng mắc trong việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với kỳ vọng những kết quả nghiên cứu sẽ ngày càng được ứng dụng một cách rộng rãi hơn nữa, tạo ra nhiều sản phẩm “Made in Vietnam”, giảm giá thành sản xuất để từ đó khẳng định vị thế của nền khoa học, công nghệ nước nhà trên trường quốc tế và khu vực.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 2446

Về trang trước Về đầu trang