Tin KHCN trong nước
Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ đầu tư nghiên cứu, phát triển sâm Ngọc Linh (18/06/2017)
-   +   A-   A+   In  
“Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ đầu tư các nghiên cứu, chủ động hơn nữa các tác động về khoa học và công nghệ, tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển cây sâm”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh.

Trên thế giới, chỉ Việt Nam có sâm Ngọc Linh

Cây sâm Ngọc Linh được biết đến chính thức đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 18/3/1973 bởi dược sỹ Đào Kim Long, Nguyễn Châu Giang và Nguyễn Thị Lê ở đới độ cao 1.800 thuộc dãy Ngọc Linh và đặt tên là Panax articulatus Kim Long Đào.

Đến năm 1985, tiến sĩ Hà Thị Dụng và giáo sư Grushvisky đã xác định đây là một loài nhân sâm mới của Thế giới và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thường được gọi là sâm Việt Nam.

Hiện trên thế giới chỉ có Việt Nam có sâm Ngọc Linh. Cả nước chỉ có 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Người dân bản địa Xê Đăng ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam gọi sâm Ngọc Linh là cây thuốc giấu, là “thần dược”. Bởi, sâm Ngọc Linh có những đặc tính kỳ diệu giúp cho họ đủ sức khỏe sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt hàng nghìn năm qua.

Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ đầu tư nghiên cứu, phát triển sâm Ngọc Linh - ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh thị sát vườn sâm Ngọc Linh ở tỉnh Quảng Nam

 

Các nhà khoa học đã xác định cấu trúc hóa học cho thấy 26 hợp chất có cấu trúc đã biết (thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật) và 24 saponin pammaran có cấu trúc mới không bắt gặp tại các loại sâm khác trên thế giới. Ngoài ra, trong sâm Ngọc Linh có tới 17 axít amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%. Những chất này không chỉ tăng cường sinh lực mà còn tham gia hiệp lực với các loại thảo dược khác, chữa được nhiều bệnh nan y.

Các bộ phận từ thân, lá, củ, hạt đều được thương lái săn lùng tìm mua với giá cao ngất ngưởng. Riêng củ sâm Ngọc Linh còn tươi tại vườn sâm gốc giá dao động từ 100 đến 500 triệu đồng/1 kg tùy vào độ tuổi.

Sâm Ngọc Linh là loài thảo mộc sống cộng sinh giữa đại ngàn. Cây sâm dựa vào tán lá rừng để tránh cái nắng gay gắt, tận dụng môi trường trong lành của rừng để tích tụ dược chất quý hiếm và dựa vào thảm thực bì để bám rễ sinh tồn, phát triển.

Chưa chú trọng áp dụng khoa học vào phát triển sâm Ngọc Linh

Ngày 5/6 vừa qua, Thủ tướng đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, trong đó có sâm Ngọc Linh.

Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực để chú trọng phát triển. Cây Sâm Ngọc Linh là cây thuốc đặc hữu của Việt Nam, được xếp vào 1 trong 4 loại sâm tốt nhất Thế giới và có nhiều công dụng quý đối với sức khoẻ cộng đồng và có giá trị kinh tế cao.

Sâm Ngọc Linh là loại sâm đặc hữu của Việt Nam, là một trong năm loại sâm tốt nhất trên thế giới, đem lại nhiều giá trị về kinh tế và xã hội, tuy nhiên công tác bảo tồn và phát triển nguồn sâm Ngọc Linh hiện nay chưa thật sự tương xứng với thế mạnh tự nhiên và tiềm năng sẵn có của hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Đặc biệt, việc kinh doanh và phát triển các sản phẩm chiết xuất từ sâm vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa mang tầm quốc gia.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây sâm giống chưa được chú trọng. Khâu chăm sóc, thu hoạch và chế biến sâm sau thu hoạch chưa được tiêu chuẩn hóa. Sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành trong công tác phát triển sâm còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, “tỉnh Quảng Nam xác định phát triển cây sâm Ngọc Linh là hướng đi chủ lực để xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các vùng núi cao. Tuy nhiên, việc khai thác hiệu quả kinh tế từ cây sâm đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho Quảng Nam và Kon Tum”.

Phó Vụ trưởng, Vụ khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ Trịnh Thanh Hùng cho rằng, để phát triển cây sâm Ngọc Linh, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã bước đầu phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh, thuộc Dự án tổng thể “Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất và phát triển thương hiệu Quốc gia cho sâm Ngọc Linh”.

Từ đó, tiến tới hoàn thiện quy trình sản xuất giống sâm Ngọc Linh để đáp ứng như cầu phát triển mở rộng diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, xây dựng, hoàn thiện các công nghệ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ sâm Ngọc Linh, phát triển thành hàng hóa chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cũng cho rằng khi cây sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia, đòi hỏi có sự phối hợp một cách chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum trong việc bảo tồn và phát triển cây sâm của Việt Nam.

“Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ đầu tư các nghiên cứu, chủ động hơn nữa các tác động về khoa học và công nghệ, tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển cây sâm”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh.

Hiện tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã có Quy hoạch về việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Cụ thể, tỉnh Kon Tum đã quy hoạch diện tích bảo tồn và phát triển sâm là 31.742ha; diện tích trong khu vực vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh khoảng 9.343 ha thuộc địa bàn của 8 xã thuộc huyện Tu mơ Rông.

Tỉnh Phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 1.000ha, với sản lượng ước tính 190 tấn. Đến năm 2025, tỉnh Kon Tum sẽ trồng hết 9.343,6ha với qui mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800ha và từng bước trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, giai đoạn 2014-2020 và tổ chức quy hoạch diện tích trồng sâm dưới tán rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My đến năm 2030, với tổng diện tích trên 15.000 ha.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 10134

Về trang trước Về đầu trang