Tin KHCN trong nước
Phát triển KHCN trong nông nghiệp: DN là đầu tàu! (08/12/2014)
-   +   A-   A+   In  

Phát triển KHCN trong nông nghiệp không chỉ trông chờ đầu tư của Nhà nước, mà cần phải thu hút, khuyến khích DN chủ động tham gia sâu hơn vào nghiên cứu, chuyển giao, liên kết với người nông dân, các cơ sở nghiên cứu khoa học.

Đây là quan điểm nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham gia hội thảo KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sáng 6/12.

Chủ trì hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

Trao đổi cùng hơn 500 đại biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp từ DN, các viện, trung tâm nghiên cứu và cả người nông dân đối với việc xây dựng, triển khai cơ chế chính sách phát triển KHCN trong nông nghiệp, nông thôn cả ở khâu sản xuất lẫn tiêu thụ.

“Không chỉ những công nghệ hiện đại, đầu tư lớn mà rất nhiều sáng kiến nhỏ trong ứng dụng KHCN cũng cần được quan tâm, nêu lên trong hội thảo. Để từ đó, chúng ta đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu cụ thể đối với các bộ, ngành để có những tháo gỡ sát thực tế”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Báo cáo của Bộ NNPT&NT, cả nước hiện có 33.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 90% có số vốn dưới 10 tỷ đồng. Vì vậy, mức đầu tư của DN dành cho đổi mới và nghiên cứu khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng doanh thu. Bên cạnh đó, trong số 350 DN có tiềm năng phát triển thành DN KHCN, cũng chỉ có 28 DN (8%) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận hoạt động KHCN ngành nông nghiệp hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng chưa nhiều, tỷ lệ thương mại hóa thấp.

Thực tế này khiến các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ đạt về số lượng, thiếu sức cạnh tranh về chất lượng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng để thực hiện được mục tiêu này thì vai trò của các DN trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN là rất quan trọng.

 “Đây là lực lượng đầu tư lớn nhất cho KHCN. DN là nơi sử dụng, là trung tâm, biến các ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm xã hội. Do đó, cần đặt vai trò của DN trong KHCN ở vị trí xứng đáng”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nhìn tổng thể nông nghiệp Việt Nam không còn là nền nông nghiệp lạc hậu, nhiều ngành đã tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, cơ giới hóa, điện khí hóa.

Các tiến bộ khoa học đã đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong khâu lai tạo, nhân giống cây trồng vật nuôi mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Các giống cây trồng mới như lúa, cao su, cà phê, tiêu... đã đạt năng suất cao hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, do hệ thống chuyển giao KHCN còn nhiều hạn chế, năng lực nắm bắt công nghệ tiên tiến kém nên đa phần nông sản Việt thua kém các đối thủ cạnh tranh cả về chất lượng lẫn giá thành, hiệu quả kinh doanh thấp.

“KHCN là yếu tố chính giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến DN tại hội thảo bày tỏ đồng tình với quan điểm phát triển KHCN trong nông nghiệp không chỉ trông chờ đầu tư của Nhà nước, mà cần phải có những cơ chế thu hút, khuyến khích DN chủ động tham gia mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, chuyển giao, liên kết với người nông dân, các cơ sở nghiên cứu khoa học. Còn Nhà nước cần làm tốt hơn vai trò kiến tạo môi trường thuận lợi cho DN KHCN.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định ứng dụng các tiến bộ KHCN trong nông nghiệp hết sức đa dạng, từ những vấn đề rất lớn, rất hiện đại như biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám... đến chuyện cụ thể như nuôi con gà, con vịt, trồng cây lúa. Song dù lớn hay nhỏ thì DN, người nông dân, nhà khoa học đều nhận thấy vai trò ngày càng quan trọng của ứng dụng KHCN để xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

Trên thực tế, những năm qua nông nghiệp đã trở thành chỗ dựa cho nền kinh tế Việt Nam với nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, đứng đầu thế giới. Thành tựu này là nhờ một phần quan trọng của KHCN giải quyết những vấn đề bức xúc trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một nước thu nhập trung bình thấp và để theo quỹ đạo của các nước, các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan-Trung Quốc... trong vòng 20 năm tới chúng ta cần tăng trưởng liên tục 9%/năm trong đó nông nghiệp là 6%/năm. Chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho thấy yêu cầu ngày càng cấp thiết của đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ hiện đại vào nông nghiệp.

Và không chỉ DN mà vai trò của các viện, trường, cơ sở nghiên cứu khoa học nông nghiệp cũng vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa, thương mại hóa các giải pháp KHCN trong nông nghiệp. Những chính sách đã và sắp ban hành cho phép cơ sở nghiên cứu tự chủ mạnh mẽ hơn, hoạt động, hạch toán như DN hợp tác với DN. Thậm chí, cơ chế cho phép giao kinh phí hoạt động, nghiên cứu cho viện, trường trong một số năm để góp vốn vào các dự án cùng DN.

“KHCN trong nông nghiệp đang đứng trước cơ hội phát triển với đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo cùng tính sáng tạo của người dân Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta cần mạnh dạn, quyết tâm thực hiện. Đồng thời khẩn trương tháo gỡ các kiến nghị, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách, ưu đãi phát triển KHCN trong nông nghiệp đối với DN, nông dân, nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu”, Phó Thủ tướng tin tưởng.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 13519

Về trang trước Về đầu trang