Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hybrid để điều khiển và giám sát robot công nghiệp phục vụ công tác đào tạo của nhà trường (21/12/2020)
-   +   A-   A+   In  

Một cách tự nhiên, chúng ta thường nghĩ ngay đến một cỗ máy, hình dạng tương tự con người và có những hoạt động tương tự con người khi có ai đó đề cập đến chủ đề robot. Nhưng trên thực tế, từ “robot” bao hàm rộng hơn rất nhiều. Robot là tất cả những máy điện hay máy cơ có khả năng thực hiện một chuỗi hành động phức tạp một cách tự động hay bán tự động. Thuật ngữ “Robot” được nhắc đến lần đầu tiên trong vở kịch “Rossum’s Univesal Robot” của Karel Capek năm 1922. Năm 1961 robot công nghiệp đầu tiên được ứng dụng trong nhà máy lắp ráp ô tô của General Motor - USA. Từ năm 1970 đến nay đã có nhiều báo cáo chính thức về sứ mệnh chinh phục không gian của các robot được gửi đi để thám hiểm hệ mặt trời.

Ngày nay, robot được áp dụng hầu hết trên mọi lĩnh vực trong xã hội. Trong tương lai, robot có thể thay thế con người thực hiện các công việc phức tạp như điều khiển ôtô tham gia giao thông. Các robot hiện đại có cấu trúc đặc biệt có thể tự tách ra hoặc kết hợp lại để cùng phối hợp thực hiện nhiều tính năng khác nhau theo yêu cầu công nghệ cụ thể. Cùng với sự tiến bộ của kỹ thuật robot trên thế giới, khái niệm robot tại Việt Nam còn khá mới mẻ với nhiều tầng lớp nhân dân. Kỹ thuật robot bắt đầu du nhập vào nước ta khoảng đầu những năm 1990. Hiện nay, chưa xuất hiện nhiều các nhà máy, tổ chức, tập đoàn lớn để chế tạo, sản xuất robot có tầm cỡ khu vực hay trên thế giới. Tuy nhiên cũng đã xuất hiện nhà máy chuyên chế tạo và lắp ráp robot như nhà máy Robotech ở khu công nghiệp Numora - Hải Phòng…Tất cả hầu hết mới chỉ dừng lại ở mô hình lý thuyết hoặc lắp ráp các linh kiện nhập từ nước ngoài. Qua khảo sát tại các doanh nghiệp như: Tập đoàn than và khoáng sản, các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, gạch gói, chế biến thực phẩm trong nước... nhận thấy các doanh nghiệp đã sử dụng những robot trong sản xuất, các robot này hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, các robot này chủ yếu là nhập ngoại vì vậy việc nâng cấp bảo trì, bảo dưỡng, thay đổi công nghệ gặp không ít khó khăn; kinh phí đầu tư lớn. Đây là những vấn đề khó khăn và cấp thiết với các nhà khoa học và các trường đại học.

Nhằm cập nhật những công nghệ mới vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đồng thời nâng cao khả năng nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ về phương pháp tính toán, thiết kế, chế tạo robot và tăng cường trang thiết bị dạy và học, nhóm tác giả đã đề xuất đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hybrid để điều khiển và giám sát robot công nghiệp phục vụ công tác đào tạo của nhà trường”. Kết quả của đề tài là mô hình robot công nghiệp và hệ thống các bài 2 tập thực hành, đây là nguồn tài liệu tham khảo tốt cho giảng viên và sinh viên trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Sau một thời gian triển khai thực hiện (Từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2018), Nhóm đề tài đã hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ và thu được kết quả như sau:

1. Thiết kế, chế tạo và lắp ráp hoàn chỉnh mô hình robot ba bậc tự do và đưa vào thử nghiệm đạt yêu cầu thiết kế.

2. Xây dựng được chương trình điều khiển và giám sát, đồng thời đã điều khiển vận hành quá trình nâng tải và hạ tải đạt yêu cầu.

3. Tổ chức thực nghiệm thành công tại phòng thí nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm.

4. Xây dựng thành công hệ thống 05 bài tập thực hành, thí nghiệm trên mô hình robot ba bậc tự do và sẽ bổ sung thêm trang thiết bị để đưa vào giảng dạy trong các năm học tới.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là mô hình robot ba bậc tự do và hệ thống các bài thực hành - thực nghiệm điển hình phù hợp trên mô hình robot. Sản phẩm là mô hình phục vụ giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.

Như vậy, với kết quả của đề tài đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Trường Đại học Sao Đỏ kính đề nghị Bộ Công Thương nghiệm thu và nhân rộng đề tài phục vụ công tác đào tạo ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa của các trường trong Bộ Công Thương vào những năm học tới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15561/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

 

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 1746

Về trang trước Về đầu trang