Tin KHCN nước ngoài
Điều chế xăng từ mùn cưa (04/12/2014)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu bề mặt chất hoá học và chất xúc tác (trực thuộc đại học KU Leuven, Bỉ) cho biết họ đã chuyển đổi thành công mùn cưa thành nguyên liệu sản xuất xăng.

Bằng quy trình phản ứng hoá học mới, xenlulo trong mùn cưa đã được biến thành chuỗi hydrocarbon. Những chuỗi hydrocarbon này có thể được dùng như một chất phụ gia trong xăng hoặc như một thành phần để sản xuất ra nhựa, túi nylon, cao su, xốp cách nhiệt...

 

"Đây là một phát minh mới từ chế phẩm sinh học, chúng tôi hiện đã được cấp bằng sáng chế về nghiên cứu này. Chúng tôi đưa mùn cưa thu thập từ một xưởng cưa, kết hợp cùng các chất xúc tác và đưa vào trong lò phản ứng. Sau khoảng nửa ngày ở mức nhiệt độ và áp lực thích hợp, chất xenlulo trong dăm gỗ đã được chuyển hóa thành các chuỗi hydrocarbon bão hòa hoặc ankan", tiến sỹ Bert Lagrain, đồng tác giả của công trình nghiên cứu, cho biết.

 

Kết quả của phản ứng hoá học sẽ tạo ra một sản phẩm trung gian để tạo thành xăng. Các nhà khoa học cho biết sản phẩm của họ có thể được sử dụng như một chất phụ gia xanh, ít độc hại và giúp thay thế một phần cho xăng được tinh chế thông thường.

 

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng rất tự hào về tiềm năng của xenlulo trong tương lai bởi nó có thể giúp thay thế cho các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ. Điều này không hẳn không có cơ sở khi "xenlulo có sẵn ở khắp mọi nơi, chủ yếu là từ chất thải của thực vật. Nó không hề cạnh tranh với các loại cây trồng cung cấp nhiên liệu sinh học ethanol", giáo sư Bert Sels thuộc đại học KU Leuven nói.

Nguồn: khoahoc.com.vn

Số lượt đọc: 7586

Về trang trước Về đầu trang