"Xin chào, Alexa" là câu nói quen thuộc mỗi ngày của cụ ông Katsunori Endo, cư dân tỉnh Yamagata của Nhật Bản, trước khi hỏi thăm chiếc loa thông minh về thời tiết và thông tin trong ngày. Không chỉ cụ Endo mà nhiều người cao tuổi và khuyết tật khác ở Nhật Bản đã và đang coi những chiếc loa thông minh sử dụng AI là vật bất ly thân.
Được các chuyên gia của tập đoàn thương mại điện tử Amazon phát triển, Alexa là chiếc loa thông minh có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ theo giọng nói, cung cấp thông tin theo thời gian thực, điều khiển các thiết bị thông minh khác như một hệ thống tự động trong gia đình.
Tháng 10/2019, mạng lưới Kirari Yoshijima - một tổ chức phi chính phủ ở Kawanishi, tỉnh Yamagata, đã cung cấp loa thông minh có thêm tính năng gọi điện thoại bằng hình ảnh cho khoảng 20 người cao tuổi trong vùng. Tổ chức này hy vọng các trợ lý ảo thông minh có thể giúp ngăn chặn chứng sa sút trí tuệ ở những người cao tuổi phải sống một mình, ít tương tác hoặc trò chuyện với người khác.
Chiếc loa kèm điện thoại còn có thể giúp các thành viên gia đình ở xa kết nối và kiểm tra tình hình sức khỏe của những người lớn tuổi trong gia đình, hoặc giúp kết nối giữa những người không thể gặp nhau do dịch COVID-19.
Chiếc loa này là trợ thủ đắc lực với người cao tuổi bởi nó có thể phát đi thông tin sơ tán khi xảy ra thiên tai, giúp liên lạc với những người hàng xóm hoặc được bác sỹ thăm khám trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt.
Tổng Thư ký mạng lưới Kirari Yoshijima, ông Yoshikazu Takahashi, 60 tuổi, cũng cho rằng việc thăm khám từ xa qua loa thông minh có thể giúp giảm thiểu số lượng công việc của các nhân viên y tế và họ còn có thể nắm được tình trạng bệnh của bệnh nhân nhanh hơn. Thậm chí, ông còn hy vọng chiếc loa này còn có thể giúp chủ nhân đặt xe hoặc thức ăn.
Bên cạnh đó, người dân cũng như mạng lưới Kirari Yoshijima còn mong muốn nhà sản xuất cải tiến loa thông minh để không chỉ những người khuyết tật về vận động hoặc khiếm thị mà ngay cả người khiếm thính cũng có thể sử dụng công cụ hữu ích này.