Tin KHCN trong nước
AI tự động khoanh vùng bộ phận cơ thể qua ảnh y tế trong 30 giây (05/06/2020)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà khoa học Việt và Med-Aid phát triển thành công sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo tự động khoanh vùng bộ phận cơ thể trên ảnh chụp cắt lớp.

Sản phẩm khoanh vùng ảnh tự động bằng học máy do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện thành công sau một năm với sự cộng tác và hỗ trợ từ Mr. John Công Nguyễn chủ tịch Công ty Med-Aid (Mỹ) - doanh nghiệp chuyên cung ứng phần mềm lập kế hoạch Xạ trị trên thế giới.

Theo đặt hàng, hệ thống cần khoanh vùng ảnh 12 bộ phận cơ thể gồm vùng đầu, ngực và bụng, đạt độ chính xác 80%, thời gian tối đa là 30 giây. Kết quả đạt được trên mức mong đợi, độ chính xác cho vùng đầu và ngực đã đạt mức 92%, vùng bụng đạt trên 83%.

Ngày 29/5, sản phẩm được nghiệm thu và nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội đã bàn giao cho công ty đặt hàng. Ông Phạm Văn Thỉnh, Phó Giám đốc công ty Med-Aid tại Việt Nam cho biết, công ty đã có kế hoạch tích hợp thuật toán này vào hệ thống lập kế hoạch xạ trị của Med-Aid đang được cung cấp trên toàn thế giới.

Theo TS Đỗ Thanh Hà, Trưởng nhóm nghiên cứu, sau khi nhận được đặt hàng, nhóm nghiên cứu tìm hiểu và tiếp cận bài toán xử lý hình ảnh liên quan đến ung thư. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên dữ liệu ảnh y tế, nhóm đã xây dựng thuật toán để máy học, nhận biết và khoanh vùng các bộ phận cơ thể, xác định vùng tổn thương trên phim chụp.

Việc xác định nhanh các bộ phận (tổ chức lành cần bảo vệ) trong cơ thể sẽ giúp bác sĩ giảm thời gian lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân, điều quan trọng làm tăng và bảo đảm chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Ông Phạm Văn Thỉnh, Phó Giám đốc công ty Med-Aid tại Việt Nam cho biết: "Để thực hiện một ca xạ trị cho bệnh nhân ung thư, bác sỹ sẽ khoanh vùng các tổ chức lành và khối u bằng phương pháp tự động hoặc thủ công. Bởi vì trên đường đi của tia xạ tới khối u sẽ gặp cả những tổ chức lành. Việc khoanh vùng như thế giúp tia xạ đi tới khu vực cần điều trị một cách chính xác nhất, tránh làm tổn thương các tổ chức lành xung quanh".

Ví dụ bệnh nhân ung thư phổi, bác sỹ sẽ phải khoanh vùng các tổ chức lành như tuỷ sống, tim, vùng phổi khoẻ mạnh, ... và khối u. Mỗi bệnh nhân thông thường, nếu làm thủ công bác sỹ phải duyệt qua từng lát cắt để khoanh vùng và cần 2 đến 3 giờ cho một ca bệnh.

"Với phương pháp khoanh vùng tự động bằng trí tuệ nhân tạo này, chỉ trong vài phút đã thu được kết quả là những hình ảnh được khoanh vùng đạt độ chính xác cao. Bác sỹ sẽ có thêm thời gian kiểm tra tổng thể và đưa ra quyết định tối ưu cho việc điều trị. Việc này rất cần thiết cho Việt Nam vì hiện nay bác sĩ phải điều trị quá nhiều bệnh nhân trong một ngày", ông Thỉnh nói.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 4891

Về trang trước Về đầu trang