Tin KHCN trong nước
Hậu Giang: Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khóm Cầu Đúc (28/04/2020)
-   +   A-   A+   In  

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 68), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hậu Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) phê duyệt dự án Xây dưng và quản lý chỉ dẫn địa lý "Khóm Cầu Đúc Hậu Giang" cho sản phẩm khóm (dứa) của tỉnh Hậu Giang, góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khóm Cầu Đúc Hậu Giang là một trong những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường của tỉnh, với diện tích 2.285 ha, năng suất bình quân đạt 25,29 tấn/ha, là sản phẩm tiêu biểu, đặc thù nên việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm từ khóm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như gìn giữ nét văn hoá truyền thống.

Cây khóm đã được du nhập và trồng tại Hậu Giang từ những năm 30 của thế kỷ trước. Giống chủ yếu là khóm Queen (Nữ hoàng) có nguồn gốc từ Thái Lan. Đặc điểm của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, mắt lồi, cuống ngắn, hố mắt hơi sâu, lõi nhỏ, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 5. Do đặc thù về thổ nhưỡng nên khóm trồng ở Hậu Giang có vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi, đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày mà không bị hỏng. Hiện tại, khóm Cầu Đúc là một trong những mặt hàng đặc sản của tỉnh Hậu Giang, không chỉ nổi tiếng ở thị trường trong nước mà đã xuất khẩu sang Nga và một số nước Đông Âu.

Những năm gần đây diện tích, sản lượng khóm tại Hậu Giang có xu hướng tăng lên do người sản xuất đã chú trọng đầu tư các giống khóm có năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu trên địa bàn; đặc biệt là giá khóm trong những năm gần đây ổn định (6.000-11.000 đồng/trái loại 1), người trồng có lãi cao. Tuy nhiên, sản xuất khóm tại Hậu Giang chưa bền vững, do chi phí sản xuất cao, đầu ra sản phẩm bấp bênh, chủ yếu tiêu thụ ở nội địa, xuất khẩu còn hạn chế. Bên cạnh đó, tập quán canh tác của nhiều nông dân còn lạc hậu, cơ giới hóa hạn chế, năng suất khóm thấp. Giống khóm bị thoái hóa, tình hình dịch bệnh trên khóm có xu hướng phát triển, việc hỗ trợ nông dân tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và sản xuất theo quy trình VietGAP chưa được quan tâm đúng mức, mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo… Sản phẩm khóm Cầu Đúc Hậu Giang khi tiêu thụ trên thị trường chưa có dấu hiệu nhận diện về nguồn gốc, xuất xứ, chưa được trang bị hệ thống tem nhãn đầy đủ. Hiện nay, trên thị trường đã có hiện tượng khóm trồng ở các nơi khác (ngoài tỉnh Hậu Giang) được bán với tên "khóm Cầu Đúc Hậu Giang”, đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình tiêu thụ khóm của Hậu Giang nói chung và uy tín của sản phẩm khóm Cầu Đúc Hậu Giang nói riêng. 

Chính vì vậy, để phát triển sản phẩm, giữ vững và nâng cao thương hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang trên thị trường, Sở KH&CN Hậu Giang đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện dự án "Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khóm Cầu Đúc Hậu Giang của tỉnh Hậu Giang" thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Đây là nhiệm vụ cần thiết, góp phần cải tổ mô hình sản xuất nông hộ, tự phát đang tồn tại ở Hậu Giang bằng mô hình tổ chức sản xuất tập trung chuyên nghiệp thông qua hình thức hợp tác xã kiểu mới, liên kết trong sản xuất, phát triển sản phẩm... Ngoài ra, kết quả của dự án còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, giữ vững và phát triển hơn nữa sản phẩm khóm trên thị trường trong và ngoài nước.

Những kết quả đạt được

Sau gần một năm triển khai thực hiện (từ 2019), dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khóm Cầu Đúc Hậu Giang của tỉnh Hậu Giang” đã cơ bản hoàn thành tiến độ và nội dung công việc đề ra. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang” cơ bản đã hoàn thành, cụ thể, dự án đã: 1) Khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất và thương mại sản phẩm khóm Cầu Đúc Hậu Giang nhằm thu thập, tổng hợp dữ liệu liên quan đến sản phẩm và vùng sản xuất sản phẩm (loại sản phẩm, đặc tính, quy mô, số lượng, những đặc điểm của vùng sản xuất, đặc điểm của người trồng, thói quen, kỹ thuật trồng...) phục vụ việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý; 2) Xây dựng hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khóm Cầu Đúc Hậu Giang thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu từ các tài liệu, các nhà nghiên cứu và các nhà sản xuất, thương mại về danh tiếng của sản phẩm khóm Cầu Đúc; xác định các đặc điểm về hình thái, cảm quan và chất lượng của khóm phục vụ việc lập hồ sơ bảo hộ chỉ dẫn địa lý (sản phẩm đăng ký bảo hộ là sản phẩm khóm tươi, nguyên quả); 3) Xây dựng và tổ chức các cuộc hội thảo nhằm góp ý hệ thống các công cụ phục vụ công tác quản lý và khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý khóm Cầu Đúc Hậu Giang, bao gồm quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý "khóm Cầu Đúc Hậu Giang"; quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý… Nhằm chống lại các hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý "khóm Cầu Đúc Hậu Giang" và kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, dự án sẽ lựa chọn 3 cơ sở tiêu biểu để hỗ trợ tư vấn đăng ký mã số, mã vạch và tạo QR Code cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý "Khóm Cầu Đúc Hậu Giang" phục vụ cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Việc tiếp theo của dự án là triển khai các công tác quản lý và hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý, cụ thể như: thiết kế, lựa chọn mẫu biểu tượng (logo) và hệ thống nhận diện chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”; xây dựng website quản lý chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”; tập huấn tăng cường năng lực quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; tổ chức kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; tổ chức kiểm soát và hướng dẫn việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất và lưu thông; in ấn thí điểm các công cụ kiểm soát nguồn gốc sản phẩm.

Có thể khẳng định việc chủ động xây dựng chỉ dẫn địa lý "Khóm Cầu Đúc Hậu Giang" cho sản phẩm khóm là điều kiện cần thiết giúp mang lại lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, bao gồm:

Một là, góp phần nâng cao vị thế, phát triển thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đồng thời củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm khóm Hậu Giang.

Hai là, thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng khóm Hậu Giang.

Ba là, tạo tiền đề và khuyến khích người dân tham gia thành lập các nhóm, đội và hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm, tiến đến sẽ áp dụng các thành tựu KH&CN mới vào sản xuất và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ trong giai đoạn quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "khóm Cầu Đúc Hậu Giang".

Bốn là, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ mở ra tiềm năng phát triển mới cho cây khóm, trở thành mô hình điểm trong xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các nông sản đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh.

Với năng suất và sản lượng hiện có, khóm được tỉnh Hậu Giang xác định là 1 trong 4 cây trồng chính (sau cây lúa, mía và cây ăn quả) để từng bước đầu tư, hoàn thiện vùng chuyên canh tập trung, giúp nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng cho sản phẩm khóm. Để làm được điều đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì nông dân cũng cần phải có sự đổi mới về tư duy, cách làm để khắc phục các hạn chế trong sản xuất; đồng thời cần tăng cường liên kết "4 nhà", nhất là liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất, an toàn và bền vững.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 5236

Về trang trước Về đầu trang