Tin KHCN trong nước
Đổi mới sáng tạo vì “tương lai xanh” (23/04/2020)
-   +   A-   A+   In  

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 đặt đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ đổi mới sáng tạo là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh.

Sở hữu trí tuệ thực sự đóng vai trò động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo để phát triển tài sản giá trị quốc gia về cả số lượng và giá trị, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Đinh Hữu Phí: Trong thời đại khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển như vũ bão hiện nay, các quốc gia đều thừa nhận SHTT là sản phẩm, đồng thời là một trong các công cụ đắc lực, thúc đẩy sự phát triển của các nền KH&CN và kinh tế thị trường. Bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm việc phổ biến tiến bộ KH&CN, văn hóa nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội.

Ở đây, các đối tượng sáng tạo kỹ thuật là nhân tố quyết định trình độ công nghệ do đó quyết định trình độ phát triển và cạnh tranh của cả một nền kinh tế. Trong những đối tượng đó, các sáng chế được coi là tiêu biểu. Tương tự như các đối tượng sáng tạo kỹ thuật, các dấu hiệu thương mại (nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng sản phẩm…) cũng đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng vị trí cạnh tranh và muốn bảo hộ và cải thiện lợi thế trên thị trường, mọi doanh nghiệp bắt buộc phải chăm lo đến các sản phẩm vốn là đại diện cho lợi thế đó.

Chính vì vậy, vai trò quan trọng của hệ thống bảo hộ SHTT chính là thiết lập một cơ chế cân bằng lợi ích giữa người nắm giữ quyền SHTT và xã hội, trong đó bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến quyền SHTT của chủ thể cũng bị ngăn chặn và xử lý. Vì vậy, bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào mà không có hệ thống SHTT thì hầu như đều bị rơi vào tình trạng cạnh tranh hỗn loạn, thiếu lành mạnh và không có năng lực công nghệ nội sinh.

Hơn nữa, với cơ chế xác lập, quản lý quyền SHTT theo trình tự do pháp luật quy định tạo ra hệ thống các dữ liệu kỹ thuật, kinh tế, pháp lý đầy đủ, phản ánh tình hình đổi mới của công nghệ, cập nhật các thông tin về tình hình kinh doanh..., các kho dữ liệu đó vô cùng bổ ích cho các giới nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh.

Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng này, Cục SHTT (Bộ KH&CN) và các cơ quan chức năng đã và đang tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định về SHTT, góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng, chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây cũng chính là kỳ vọng được Chính phủ, Bộ KH&CN gửi gắm trong Quyết định phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ- TTg ngày 22/8/2019 với mục tiêu quan trọng là đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT.

 

Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ

 

Một trong những điểm trọng yếu của Chiến lược là hình thành mạnh mẽ tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII): Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 – 18%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 – 8%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 – 10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 – 14%/năm trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; đưa Việt Nam trở thành trung tâm bảo hộ giống cây trồng với việc hình thành cơ quan bảo hộ giống cây trồng khu vực ASEAN+.

Năm 2020, Ngày SHTT thế giới hướng tới việc đổi mới sáng tạo vì tương lai xanh. Đây là một khởi đầu cho "lộ trình xanh" hướng tới chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường - một yêu cầu cấp bách hiện nay. Vậy, các chính sách, giải pháp mà Cục đã và đang thực hiện để hỗ trợ các nhà sáng chế cùng những nỗ lực Cục trong việc góp phần tạo ra một "tương lai xanh", góp phần thúc đẩy "nền kinh tế xanh"?

Ông Đinh Hữu Phí: Như tôi đã nói ở trên, để phát huy hơn nữa vai trò của SHTT đối với phát triển kinh tế, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 với kỳ vọng Việt Nam sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phổ biến và hơn thế nữa có thể thương mại hóa sản phẩm sáng tạo, qua đó làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững, tạo dựng một "tương lai xanh" cho các thế hệ sau.

Nhiều biện pháp đã được Cục triển khai nhằm góp phần khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng các thành quả sáng tạo trong KH&CN vào mọi mặt của đời sống và sản xuất như: thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền SHCN; xây dựng, quản lý và tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về SHCN nhằm phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành quả KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, pháp luật về SHTT, tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tạo lập, đăng ký xác lập quyền, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ… góp phần không nhỏ vào thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.

Một số chương trình, dự án hỗ trợ được triển khai rất có hiệu quả thời gian qua như: Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ hiện đang được các địa phương triển khai mạnh mẽ, bên cạnh việc tham gia Chương trình cấp quốc gia thì tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương (thông qua đài truyền hình, lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu…). Hiện Chương trình đã bảo hộ cho 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương, 600 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về SHTT, trong đó có nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn điển hình như Tập đoàn dệt may Việt Nam, Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam, tập đoàn DABACO…; Chương trình cũng đã hỗ trợ bảo hộ, áp dụng thực tiễn sáng chế cho 51 giải pháp kỹ thuật.

Dự án mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC và IP-HUB) để kết nối và thúc đẩy hoạt động SHTT và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Dự án đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về tra cứu thông tin sáng chế và viết bản mô tả sáng chế cho các thành viên mạng lưới....

Hiện, có gần 60 viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước đăng ký tham gia mạng lưới để được hỗ trợ quá trình đăng ký sáng chế thông qua các hoạt động như: Hỗ trợ tiếp cận thông tin sáng chế chất lượng cao; trợ giúp tra cứu thông tin sáng chế; đào tạo tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp... Trong số đó, có 12 viện nghiên cứu, trường đại học được lựa chọn để hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ trên cơ sở các giải pháp kỹ thuật có giá trị của đơn vị, gắn hoạt động nghiên cứu-triển khai của đơn vị với doanh nghiệp, hình thành đội ngũ chuyên nghiệp về SHTT tại các viện nghiên cứu trường đại học…

Quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ theo hướng bền vững đang được các địa phương chú trọng triển khai, ông có thể nêu một số ví dụ về doanh nghiệp, nhà sáng chế, sản phẩm đem lại hiệu quả phát triển bền vững điển hình?

Ông Đinh Hữu Phí: Trong thời gian gần đây, trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các sáng chế ngày càng tập trung vào giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn liên quan đến công nghệ môi trường như: tái chế, làm sạch nước, xử lý khí thải độc hại thanh lọc không khí, bảo toàn năng lượng, hoặc công nghệ xanh theo hướng bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái... Có thể kể đến giải pháp công nghệ như:

Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) là Doanh nghiệp KH&CN điển hình đã thành công trong khai thác quyền SHTT, trong đó có các sáng chế bảo vệ môi trường, đặc biệt là các giải pháp chống ngập úng, chống ô nhiễm môi trường nước tại tất cả các đô thị; "Thiết bị xử lý khí thải XLKT-HB0005GPCN", tác giả Hoàng Hữu Bình; "Thiết bị thu hồi và tái chế chất thải nguy hại trong công nghiệp", tác giả Trần Bá Phước Anh; "Máy xử lý rác đa năng và công nghệ xử lý rác thải HKM", tác giả Ngô Thái Nguyên,.. là các sáng chế điển hình liên quan đến công nghệ xử lý khí thải, chất thải công nghiệp độc hại và rác thải đã được áp dụng hiệu quả trên thực tiễn...

Tuy nhiên, để Việt Nam có nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích hơn cũng như tăng cường bảo hộ quyền SHTT để phục vụ cho phát triển bền vững, cần có sự chung tay chung sức của tất cả các chủ thể, nâng cao nhận thức về vai trò của SHTT trong đổi mới sáng tạo, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội.

Các chủ thể sáng tạo cần nâng cao hơn nữa năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ vào hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như kịp thời đăng ký xác lập quyền SHTT đối với các thành quả nghiên cứu của mình.

Doanh nghiệp cần phát huy vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ. Để thu hẹp khoảng cách từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tiến, doanh nghiệp cần chủ động và tích cực đồng hành với các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm, công nghệ giải quyết các vấn đề thiết thực của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề môi trường đảm bảo phát triển bền vững.

Một vấn đề quan trọng nữa là cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tôn trọng quyền SHTT, khuyến khích người tiêu dùng ủng hộ các sản phẩm và dịch vụ áp dụng công nghệ sạch.

Ngày SHTT thế giới" (World Intellectual Property Day – viết tắt là IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định ngày 26 tháng 4 hàng năm - ngày mà Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970 - là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về SHTT trên toàn thế giới. Kể từ đó, "IP Day" đã trở thành ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của SHTT đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người.

Trong 5 năm qua (2015 - 2019), sự kiện "IP Day" tại Việt Nam đã được tổ chức một cách sáng tạo, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều thành phần xã hội cũng như tạo được những tác động truyền thông đáng kể về lĩnh vực SHTT.

 

WIPO và nhiều tổ chức quốc tế thường liên tục truyền thông về các chiến lược đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững. Tuy nhiên, liệu thông điệp này đã được nhận thức đầy đủ, đúng mức trong các cấp, các ngành cũng như cộng đồng xã hội?

Ông Đinh Hữu Phí: Đảng và Nhà nước ta luôn coi đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Có thể thấy, làn sóng đổi mới sáng tạo đã xuất hiện ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, địa phương phục vụ tăng trưởng kinh tế, xã hội song hành với bảo tồn môi trường tạo động lực phát triển đất nước. Có thể kể đến sự lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trên khắp cả nước giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh ghi nhận những chuyển biến tích cực ban đầu, thì chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế là vẫn có một số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ về phát triển bền vững. Do đó, hoạt động đổi mới sáng tạo thiên về tăng trưởng nhanh về kinh tế và ổn định xã hội mà chưa quan tâm tới yếu tố môi trường và chưa đồng đều giữa các vùng, các doanh nghiệp.

Chúng ta cũng cần lưu ý đến cải thiện vấn đề về thể chế, nhân lực, cơ sở hạ tầng đồng bộ. Tăng trưởng bền vững cần liên kết tất cả các nguồn lực, đặc biệt là thúc đẩy sự sáng tạo năng động trong khu vực tư nhân. Chú trọng hơn nữa đến các viện/trường để có những nghiên cứu và công nghệ phù hợp hơn, gia tăng số lượng đơn đăng ký của người Việt Nam so với nước ngoài.

 

Một hoạt động ý nghĩa trong ngày IP Day tổ chức tại Hà Nội.

 

Theo ông, vấn đề hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ SHTT cho các đối tượng SHTT mới được tạo ra từ CMCN 4.0 đang là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống SHTT (bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực AI, Internet vạn vật, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học,…)?

Ông Đinh Hữu Phí: Thống kê cho thấy, năm 2016 có hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan đến Internet kết nối vạn vật (IoT) đã được nộp tại Cơ quan Sáng chế châu Âu, với mức tăng trưởng 54% chỉ trong 3 năm (2014-2016). Điều này khẳng định, các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống SHTT là phải được vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để được như vậy cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ SHTT cho các đối tượng SHTT mới được tạo ra từ CMCN 4.0. Muốn vậy, cần hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT, đặc biệt trên môi trường internet. Cần quan tâm đến vấn đề nâng cao năng lực của cơ quan SHTT trong việc xử lý đơn đăng ký các đối tượng mới; thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở quy mô khu vực và toàn cầu, bởi nhiều vấn đề SHTT đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được.

Bên cạnh đó, việc thực thi quyền SHTT trong môi trường số sẽ trở nên khó khăn hơn, vì vậy các chính sách cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa không ngăn cản sự phát triển của khoa học và công nghệ, vừa đảm bảo được an ninh, bảo mật và đảm bảo quyền SHTT được bảo hộ thỏa đáng.

Đặc biệt, cần có sự kết nối giữa SHTT và các ngành công nghiệp, bởi hệ thống SHTT đã và đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp. Để bắt kịp với xu thế CMCN 4.0, các cơ quan SHTT cần có kế hoạch hành động sử dụng AI cho từng đối tượng từ sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu.

Những thông điệp mà Cục truyền tải đến xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (đối với DN, tổ chức cá nhân, địa phương...)?

Ông Đinh Hữu Phí: Với tinh thần cần giữ an toàn cho tất cả mọi người, theo khuyến nghị của WIPO, Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động tuyên truyền, chào mừng sự kiện này trên các kênh truyên thông với phạm vi rộng khắp.

Các địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu đã sớm nhận được thông điệp Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay và triển khai hoạt động chào mừng tùy theo thực tế của từng địa phương và tổ chức.

Thông qua các kênh truyền thông đại chúng, thông điệp "Đổi mới sáng tạo vì tương lai xanh" của Ngày SHTT năm nay vẫn sẽ lan tỏa khắp cả nước, tới tất cả các nhóm chủ thể trong xã hội để cùng phát huy trí tuệ, chung sức vượt qua những khó khăn thử thách hướng tới một tương lai xanh, một xã hội phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: vtv.vn

Số lượt đọc: 3690

Về trang trước Về đầu trang