Tin KHCN trong nước
03 startup do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ được vinh danh trên Tạp chí Forbes 30 Under 30 châu Á (14/04/2020)
-   +   A-   A+   In  
03/06 doanh nhân trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thông qua Đề án 844 đã được vinh danh trên tạp chí Forbes 30 Under 30 Asia (các gương mặt trẻ dưới 30 tuổi của châu Á).

Theo đó, các gương mặt tiêu biểu bao gồm:
 

Nghiêm Xuân Huy - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành startup Finhay (Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ tài chính) là 1 trong 10 startup đạt giải triển vọng tại Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, nhận được bảo trợ truyền thông về sản phẩm/mô hình hướng đến hỗ trợ việc tiếp cận thị trường, nhà đầu tư, quỹ đầu tư và hỗ trợ kết nối chuyên gia từ Đề án 844. Hiện Finhay đã được rót hàng triệu USD từ các nhà đầu tư như Insignia Venture Partners, H2 Ventures và Acorns.

Năm 2018, Finhay là 1 trong số 25 nhóm startup đã tham gia chương trình đào tạo ươm tạo của Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SIHUB phối hợp tổ chức (Từ năm 2018 - 2020, SIHUB là đơn vị 03 năm liền tham gia Đề án 844, thực hiện các nhiệm vụ về hỗ trợ hoạt động và liên kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoạt động và liên kết của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học và viện nghiên cứu, tổ chức chính trị - xã hội).
Năm 2019, Finhay đạt giải nhì với phần thưởng 3.000 USD tại cuộc thi Fintech Summit 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức cùng Quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley (VSV) và Tập đoàn Tài chính Welcome (Hàn Quốc) nhằm kết nối giữa các công ty khởi nghiệp fintech (công nghệ tài chính) với các nhà đầu tư mạo hiểm.

Cùng năm, Finhay được công bố nằm trong danh sách 100 công ty fintech hàng đầu thế giới, thực hiện bởi Công ty kiểm toán KPMG và Quỹ đầu tư mạo hiểm H2 Ventures (Úc). Đồng thời, startup này cũng được chọn là 1 trong 60 doanh nghiệp có cống hiến tiêu biểu cho ngành Khoa học và Công nghệ và tham gia gian hàng trưng bày trong triển lãm của sự kiện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1959-2019) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.



Ông Nghiêm Xuân Huy - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành startup Finhay (Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ tài chính)


Hàn Ngọc Tuấn Linh là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Vietnam Silicon Valley Capital, một công ty đầu tư với tài sản trị giá 7 triệu USD, hướng đến đầu tư giai đoạn đầu cho các startup tại Việt Nam. Đến nay, quỹ đã thực hiện hơn 70 khoản đầu tư.
Vietnam Silicon Valley là Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Việt Nam, được khởi xướng từ năm 2013. Đây là đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình Tổ chức thúc đẩy kinh doanh VSVA (VSV Accelerator) đầu tư vốn mồi cho hơn 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức kết nối và đào tạo cho hơn 300 nhà đầu tư, cố vấn và sáng lập viên.
Từ năm 2017, Công ty cổ phần Vietnam Silicon Valley Accelerator đã tham gia chủ trì 02 nhiệm vụ thuộc Đề án 844 hướng đến hỗ trợ hoạt động của các tổ chức đào tạo nâng cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cá nhân quản lý, vận hành tổ chức đổi mới sáng tạo. Những năm tiếp theo, VSV tiếp tục liên danh phối hợp với nhiều tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, truyền thông và đặc biệt là phối hợp tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hàn Quốc (Techfest Hàn Quốc năm 2019) trong khuôn khổ Đề án 844. Thông qua những hoạt động trên, VSV Accelerator ngày càng khẳng định năng lực của mình trong việc phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp một cách chất lượng và bền vững, đóng góp cho sự phát triển chung của toàn hệ sinh thái.



 Ông Hàn Ngọc Tuấn Linh là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Vietnam Silicon Valley Capital


Nguyễn Thị Ngọc Huyền - Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ y tế - Medlink Asia, cung cấp giải pháp sử dụng công nghệ thông tin nhằm kết nối các đầu mối nhà sản xuất – nhà phân phối – nhà thuốc và cả người tiêu dùng trong hệ sinh thái của ngành dược cũng như số hóa dữ liệu từ tất cả các đầu mối trong hệ sinh thái ngành dược. Medlink hiện đang sở hữu khoảng 1000 đối tác là các nhà thuốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, một số công ty thuốc lớn như Sao Thái Dương, Công ty cổ phần dược Trung ương 3, Medical VN... sử dụng.
Medlink giành giải ba ở cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn khổ Đề án 844 - Techfest 2018. Sau đó được Bộ Khoa học và Công nghệ kết nối tham gia các hoạt động gặp gỡ và kết nối đầu tư tại Hàn Quốc và tháng 11 năm 2019 trong khuôn khổ Techfest quốc tế năm 2019. Bên cạnh đó, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kết nối startup này tới nhiều tổ chức truyền thông nhằm hỗ trợ phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, thu hút đầu tư.
Cũng trong thời gian trên, Medlink nhận giải thưởng 25.000 USD với vai trò là quán quân cuộc thi Vietchallenge 2019 - cuộc thi thường niên dành cho người Việt toàn cầu với vòng chung kết được tổ chức tại đại học Harvard và MIT, Hoa Kỳ, nằm trong hoạt động đẩy mạnh liên kết cộng đồng startup quốc tế của nhiệm vụ Đề án 844 từ năm 2019.



Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền - Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ y tế - Medlink Asia (bên trái).

 

*** 30 Under 30 Asia năm 2020, gồm các tài năng dưới 30 tuổi trong nhiều lĩnh vực ở châu Á. Theo Forbes, danh sách này được các phóng viên lựa chọn từ 3.500 đề cử đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và được thẩm định bởi các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực gồm: Nghệ thuật; Giải trí và Thể thao; Tài chính và Đầu tư mạo hiểm; Truyền thông, Tiếp thị và Quảng cáo; Bán lẻ và Thương mại điện tử; Công nghệ doanh nghiệp; Công nghiệp, Sản xuất và Năng lượng; Y tế và Khoa học; Doanh nhân xã hội; Công nghệ tiêu dùng.
 

***Trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), Techfest là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Techfest Việt Nam cũng đã có quá trình 05 năm xây dựng và phát triển với sự chung tay nỗ lực của cá nhân với lòng nhiệt thành đóng góp cho lợi ích cộng đồng. Techfest là dịp để tổng kết và truyền tải các thông điệp từ Chính phủ đến hệ sinh thái. Techfest 2015 là năm khởi động xây dựng Hệ sinh thái ghi dấu những động thái đầu tiên của Chính phủ. Techfest 2016 thắp sáng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với sự định hướng và đồng hành của Chính phủ thông qua Đề án 844. Techfest 2017 ghi nhận sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể của hệ sinh thái từ trung ương đến địa phương. Techfest 2018 đánh dấu bước phát triển hội nhập quốc tế của khởi nghiệp Việt Nam “From here. To Global”; Để mọi nguồn lực được “hội tụ” về Techfest quốc gia, năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các địa phương tổ chức các sự kiện Techfest tại 4 vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, để quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ra thế giới và thu hút các nguồn lực quốc tế đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ (từ 07-14/9); Hàn Quốc (từ 03-09/11) và Singapore (từ 10-14/11).

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Số lượt đọc: 3544

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)