Tin KHCN trong nước
Tạo hành lang thông thoáng hơn cho KH, CN và đổi mới sáng tạo (16/01/2020)
-   +   A-   A+   In  

Cùng với nhiệm vụ nâng cao tiềm lực KH&CN và tăng cường ứng dụng KH&CN trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ quốc kế dân sinh, Bộ KH&CN và các bộ, ngành khác cần đề xuất chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp trong việc áp dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Đó là những ý kiến được đưa ra tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai công tác năm 2020 của Bộ KH&CN.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN tại “Hội nghị triển khai công tác ngành KH&CN năm 2020”, nền tảng cho một chu trình phát triển mới đã được Bộ KH&CN thiết lập từ một vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2019 - năm chứng kiến những thay đổi về quan điểm đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo thông qua quá trình tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia, theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đồng thời tiếp tục hoàn thiện, và tạo ra những chính sách mới để các nhà khoa học đến với doanh nghiệp và cùng giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, năm 2019, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân (đặc biệt là sự đóng góp của cả lực lượng công nhân và nông dân), khoa học và công nghệ nước nhà đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước. Các bộ, ngành, cơ quan đã chung tay cùng Bộ và ngành Khoa học và Công nghệ để từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo hành lang ngày càng thông thoáng hơn cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khoa học và công nghệ ngày càng gắn bó mật thiết và đồng hành với các mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực, giúp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả cả nên kinh tế.

Tạo tiền đề mới cho doanh nghiệp phát triển

Việc rà soát, đánh giá lại các chính sách thúc đẩy đầu tư vào KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp để làm cơ sở chỉnh sửa, bổ sung hoặc thiết lập những chính sách mới đã trở thành tâm điểm cho các hoạt động năm 2019 của Bộ KH&CN.

Dù những thay đổi về chính sách mới chỉ được bắt đầu thì một bức tranh mới với những gam màu tươi sáng về đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu hình thành, gồm cả những doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ chiếu sáng, dược phẩm, viễn thông, dệt may đến logistics, vật liệu xây dựng… như Rạng Đông, Minh Long, VinGroup, Phenikaa, Viettel, Thaco Trường Hải, Traphaco, May 10, Abivin... Đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN đã tăng lên đáng kể, cơ cấu chi cho KH&CN giữa doanh nghiệp và nhà nước nay đạt tỷ lệ 48/52 (so với trước đây là 70/30). Ứng dụng công nghệ đã làm thay đổi bộ mặt các doanh nghiệp. Những thay đổi theo hướng như vậy đã manh nha xuất hiện từ một vài năm trước thông qua nỗ lực thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào một số chương trình KH&CN quốc gia, ví dụ trường hợp của Thaco Trường Hải với dự án “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam”, do kỹ sư Phạm Văn Tài (Thaco) chủ trì, thực hiện từ tháng 12/2014 đến tháng 5/2017 với tổng kinh phí hơn 126,6 tỷ đồng, trong đó 37,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học. Điều mà dự án đem lại cho Thaco không chỉ đơn thuần là công nghệ, dù đó là những công nghệ khá quan trọng trong ngành ô tô như thiết kế và tính toán mô phỏng, thiết kế và tính toán kết cấu vật liệu composite và nhựa cao cấp làm tăng tỷ lệ nội địa hóa xe bus lên 60%, giảm 15% giá thành các linh kiện nội ngoại thất ôtô… Quan trọng hơn là họ nhận thấy được giá trị lâu dài của R&D: sự chủ động trong công việc khi có được một đội ngũ kỹ sư làm R&D có khả năng làm chủ các phần mềm, thiết bị tiên tiến. Đây là lý do khiến họ đi đến quyết định nâng cấp bộ phận R&D của nhà máy Thaco Bus thành một trung tâm R&D xe bus hiện đại trong Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải và tiến tới đầu tư xây dựng thêm 12 trung tâm/bộ phận R&D của các nhà máy khác của mình như R&D xe tải, R&D cơ khí, R&D các linh kiện, phụ tùng của khối công nghiệp hỗ trợ.
Do đó, trong lễ kỷ niệm 60 năm Bộ KH&CN vào tháng 12/2019, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, đại diện khối doanh nghiệp đã nêu bật ý nghĩa của việc tham gia vào các chương trình KH&CN quốc gia của mình là “tạo lập và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp. Các kết quả hoạt động KH&CN đã tạo tiền đề cho doanh nghiệp có những bước phát triển vượt bậc”.

Đó cũng là con đường mà Công ty vaccine và Sinh phẩm số 1 VABIOTECH đã lựa chọn. Thông qua các đề tài thuộc nhiều chương trình KH&CN quốc gia, từ đề tài độc lập cấp nhà nước đến đề tài Chương trình KC10, Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, VABIOTECH đã có bốn sản phẩm chủ lực là vaccine viêm gan B tái tổ hợp, viêm não Nhật Bản trên não chuột, tả uống và viêm gan A bất hoạt trên nuôi cấy tế bào thận khỉ tiên phát phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ra một số quốc gia. Hiện tại, một số vaccine đang được công ty phát triển như vaccine Hib cộng hợp, vaccine dại, sốt xuất huyết Dengue… cũng khởi nguồn từ đó, ví dụ làm chủ công nghệ sản xuất vaccine Hib cộng hợp - sản phẩm góp phần khống chế các bệnh viêm phổi, viêm màng não ở trẻ nhỏ do vi khuẩn Hib gây ra, qua đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine Haemophilus influenzae type b (Hib) cộng hợp ở quy mô phòng thí nghiệm” (KC.10.19/06-10) và tiếp đến là dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vaccine Hib cộng hợp ở quy mô công nghiệp” (Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia), tiến tới trở thành nguyên liệu kết hợp với các vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và bại liệt bất hoạt để sớm có được vaccine phối hợp 5 và 6 trong 1.

Để hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, các nhà quản lý phải nghĩ đến những cách thức quản lý mới, mô hình hợp tác mới, những nhóm liên kết mới theo chuỗi giá trị trong khi những chính sách hiện hành còn nhiều điểm khuyết thiếu hoặc chưa thực sự giải quyết được những vấn đề mà doanh nghiệp cần. Do vậy, các chương trình mang tính thí điểm về chính sách như Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), Chương trình Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH&CN (FIRST), Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) được hình thành và triển khai với kỳ vọng làm được điều đó. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định mục tiêu này tại lễ khởi động Viện VKIST vào tháng 11/2017: “Chính phủ kỳ vọng vào một mô hình, phương thức quản lý, cách thức tiếp cận và nghiên cứu KH&CN mới sẽ lan tỏa dần những giá trị tốt ra toàn xã hội bởi Chính phủ nhận thấy, chúng ta cần phải thay đổi về cơ chế quản lý, quản trị trong định hướng nghiên cứu để làm sao đưa khoa học vào đời sống. Do đó chúng ta cần một tổ chức KH&CN mới không chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt mà còn hình thành một nếp nghiên cứu mới, thiết lập một mạng lưới nghiên cứu và vận hành nó theo cách mới”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn lấy doanh nghiệp là trung tâm cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, không chỉ riêng Bộ KH&CN đóng vai trò đề xuất chính sách mà các bộ cũng phải vào cuộc thực sự để sao cho có các cơ chế về kinh tế một cách thiết thực nhằm cho doanh nghiệp thấy lợi ích của việc áp dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo không chỉ cho lâu dài mà còn là trước mắt, không chỉ vì lợi ích gián tiếp mà còn là lợi ích trực tiếp. Có được như vậy doanh nghiệp mới đầu tư nhiều hơn cho KH&CN và cho nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, chúng ta phải đặt tinh thần là không phân biệt các viện nghiên cứu nhà nước hay tư nhân để các doanh nghiệp cũng phải đầu tư thành lập các viện nghiên cứu, cùng với các viện nghiên cứu nhà nước thực hiện các nhiệm vụ khoa học. Cần đặc biệt chú ý hơn đến khoa học xã hội và nhân văn, chính trị, khoa học quân sự. Điểm lại các công bố quốc tế của chúng ta chủ yếu mới ở lĩnh vực kỹ thuật, máy tính, vật lý, sức khỏe…, rất ít công bố của các ngành khoa học quản lý, khoa học xã hội. Chúng ta phải hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều hơn trong việc thâm nhập thị trường - điều vô cùng quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi được biết các nước xung quanh có mô hình rất hay, ví dụ như Thái Lan có dịch vụ một cửa (one stop service). Cần phải minh bạch tất cả mọi đề tài, mọi công trình của các cấp, các ngành bởi chỉ có minh bạch thì chúng ta mới tiết kiệm được nguồn lực đầu tư, mới tạo chất lượng cho khoa học, mới tôn vinh được những ý kiến chuyên gia, những hội đồng, và tạo thước đo tốt nhất để anh em khoa học có thể đánh giá lẫn nhau.

Cuối cùng, nhưng quan trọng vô cùng, không chỉ trong Bộ KH&CN mà với cả xã hội là chúng ta phải khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội, không chỉ là những đề tài nghiên cứu, sáng chế, mà kể cả những sáng kiến trong quản lý xã hội, trong thường nhật. Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành tôn vinh các nhà khoa học, những người có nhiều sáng kiến.

Thủ tục còn phức tạp

Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy chính sách đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN và các bộ, ngành sẽ còn cần cải thiện những thủ tục còn phức tạp, mơ hồ. Phát biểu tại phiên thảo luận của Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng để nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng có đủ trình độ, năng lực KH&CN làm tổng thầu với công trình có quy mô lớn, thì cần có những cơ chế chính sách cụ thể hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn, các cơ chế phối hợp giữa các bộ, giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, các vấn đề ưu tiên, ưu đãi về thuế khi thực hiện các dự án KH&CN…

Ý kiến của nhà quản lý có nhiều điểm trùng hợp với góc nhìn của các doanh nghiệp, những người đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (Thaibinh Seed), nơi nhanh nhạy áp dụng quy định về việc doanh nghiệp được trích 10% trước thuế để nghiên cứu “trong năm năm vừa rồi là hơn 100 tỉ, riêng năm 2019 vừa rồi là 21 tỉ”, góp ý một cách chân thành rằng các thủ tục vẫn còn rườm rà phức tạp, “cần các chính sách rõ ràng, quy định đơn giản để kích thích doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng, ví dụ chúng tôi làm thí nghiệm ở Tây Bắc Lào Cai, Yên Bái thì làm sao mua phân bón mà có dấu đỏ, làm sao thuê đất của người nông dân lại có dấu đỏ với chứng từ được”. Đây cũng là vấn đề mà ông Kiều Huỳnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty máy và sản phẩm thép Việt (Viet STEEL), Phó Chủ tịch thường trực của Hội doanh nghiệp cơ khí điện của TP HCM trăn trở: “Thực sự với doanh nghiệp chúng tôi, khi tham gia các đề tài khoa học, nguồn lực đầu tư cho công nghệ không khó, nhưng công sức để hoàn thành hồ sơ thủ tục từ lúc đăng ký đến kết thúc cũng tương đương, quá lãng phí. Làm thế nào cho điều này đơn giản hơn, gọn hơn?”. Mặt khác làm sao các chương trình, sự hỗ trợ của Bộ KH&CN cũng như của các sở ở địa phương, đến với các doanh nghiệp nhanh hơn? Ông Kiều Huỳnh Sơn đề nghị, “chúng ta cần có các buổi tiếp xúc, hợp tác, ghi nhớ, chuyển giao thông tin thông qua các hội ngành nghề, vốn hoạt động rất mạnh và hiệu quả”.

Một vấn đề khác, theo ý kiến các doanh nghiệp tại Hội nghị là “cần khai thác tối đa nguồn lực bằng sự liên kết để hỗ trợ doanh nghiệp kết hợp với các viện nghiên cứu bởi viện nghiên cứu có nhiều người hiểu biết về chuyên môn, còn doanh nghiệp không có điều đó”. Đây là những vấn đề mà ngay cả các doanh nghiệp “kỳ cựu” như Thaibinh Seed cũng đang gặp phải, “chúng tôi có hợp tác với nhiều viện nghiên cứu trong và ngoài nước, nhưng hiện nay rất lúng túng trong cơ chế hợp tác chuyển giao sản phẩm từ viện đến các doanh nghiệp, không có cái gì cụ thể cả. Vì vậy rất khó để đưa vào hợp đồng một cái gì đó cụ thể, nhiều khi anh em hợp tác với nhau rồi, tổ chức thực hiện xong rồi nhưng không biết phân chia lợi ích như thế nào”, ông Trần Mạnh Báo phân trần.

Những vấn đề mà các nhà quản lý và doanh nghiệp đặt ra sẽ là những yếu tố để trong năm 2020, Bộ KH&CN và các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện những cơ chế, chính sách để góp phần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia lành mạnh, minh bạch và doanh nghiệp thực sự là trung tâm.

Nguồn: www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2692

Về trang trước Về đầu trang