Tin KHCN trong nước
Khai thác và phát triển nguồn gen lợn Xao Va tại tỉnh Nghệ An (15/12/2019)
-   +   A-   A+   In  

Ở các nước đang phát triển, đối lập với sự nghèo đói trong đời sống của người dân là sự giàu có trong tài nguyên thiên nhiên và động thực vật nông nghiệp. Do có nhiều hạn chế trong giao lưu, các cộng đồng mỗi nơi/địa phương/vùng miền giữ/nuôi một nguồn gen, tự nhân giống, không có sự trao đổi với thế giới bên ngoài. Các giống bản địa này có những đặc điểm ưu việt như chống chịu bệnh tật tốt, có khả năng sử dụng các loại thức ăn tự nhiên sẵn có như cây, củ, quả, rễ, lá,... và các phế phụ phẩm nông công nghiệp mà các giống vật nuôi cao sản (công nghiệp) không thể tận dụng được. Bên cạnh đó, còn có nhiều giống có những đặc điểm tốt mà các giống khác không có, như số con đẻ ra/ổ, khả năng kháng một số bệnh.

Tuy nhiên, do dân số thế giới đang ngày càng tăng, điều kiện kinh tế ngày càng được cải thiện, nhu cầu dinh dưỡng của con người cũng ngày càng tăng cao. Đứng trước đòi hỏi ấy, cuộc cách mạng xanh đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm của con người. Hàng trăm, hàng ngàn giống cây trồng, vật nuôi mới lần lượt được tạo ra với năng suất vượt trội. Cùng với các kỹ thuật canh tác, nuôi dưỡng được cải tiến, những thành tựu của cuộc cách mạng xanh đã cứu hàng trăm triệu người thoát khỏi chết đói. Thế nhưng, mặt trái của cách mạng xanh là việc chạy theo tăng năng suất đã làm lu mờ đi vai trò của các giống cây trồng, vật nuôi bản địa (một nguồn gen có nhiều đặc điểm quý), thậm chí, chúng đã bị lãng quên trong một thời gian dài và có thể dẫn tới biến mất.

Giống lợn Xao Va là một giống lợn địa phương lâu đời được nuôi bởi đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc Nghệ An (Quế Phong, Quỳ Châu,...). Hiện nay, chúng đang phân bố rải rác ở các xã, huyện miền núi cao nằm dọc dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Nghệ An. Giống lợn này được nuôi theo phương thức thả rông trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (H’mông, Thái, Mèo,...). Lợn tự tìm kiếm thức ăn (củ, quả, lá, rễ cây, giun, dế, côn trùng,... trong tự nhiên), thỉnh thoảng, người chăn nuôi mới cho ăn một ít thức ăn nhưng cũng chỉ là các loại thức ăn sẵn có trên rừng, trong vườn nhà.

Lợn Xao Va đã được đưa vào chương trình bảo tồn quỹ gen vật nuôi Việt Nam do Viện Chăn nuôi chủ trì, thực hiện công tác bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Lợn có ưu điểm là có tỷ lệ mỡ trong thịt xẻ thấp, thịt săn chắc, thơm, ngọt, hợp khẩu vị và tập quán ẩm thực của người Việt. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống ngƣời dân từng bước được nâng lên, nhu cầu được ăn ngon, ăn sạch cũng ngày càng tăng cao khi mà thực phẩm bẩn đang ngày một tràn lan trên thị trường. Các sản phẩm gần với tự nhiên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Vì vậy, nhu cầu thịt lợn Xao Va cũng như các loại lợn bản địa hiện có ở các vùng núi cao Nghệ An đang ngày càng tăng cao. Lợn Xao Va chủ yếu được nuôi theo phương thức thả rông, giao phối tự do trong quần thể nên dẫn đến giao phối cận huyết. Điều này dẫn đến làm giảm khả năng sản xuất của lợn Xao Va: Số con đẻ ra chỉ đạt 5-6 con/ổ, và số lứa đẻ/năm chỉ ở mức 1,3-1,5 lứa/năm. Khi lợn mang thai, sinh đẻ không được người chăn nuôi quan tâm chăm sóc nên tỷ lệ nuôi sống thấp (số con nuôi sống đến cai sữa chỉ đạt 75-85%). Khả năng sinh sản thấp dẫn đến tốc độ tăng đàn chậm, tái sản xuất mở rộng thấp, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lớn, giá bán cao, người nuôi hám lợi nên đàn lợn giảm sút nhanh chóng về số lượng. Nếu không tiếp tục được bảo tồn và phát triển thì trong thời gian không xa, giống lợn Xao Va có thể bị tuyệt diệt.

Trước những vấn đề nêu trên, ThS. Hoàng Thị Mai, Trường Đại học Vinh cùng các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài với nội dung: “Khai thác và phát triển nguồn gen lợn Xao Va tại tỉnh Nghệ An” nhằm mục tiêu khai thác và phát triển được nguồn gen lợn Xao Va tại tỉnh Nghệ An.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả đáng chú ý như sau:

1. Giống lợn Xao Va hiện còn với số lượng không nhiều, đặc biệt là nhóm lợn đực giống. Lợn chủ yếu được nuôi nhỏ lẻ theo phương thức bán chăn thả, thức ăn nghèo về số lượng và chất lượng. Lợn có sức chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và đề kháng tốt với các loại dịch bệnh. Lợn Xao Va có khả năng sinh sản thấp và là giống lợn nhỏ con, ở 1÷2 năm tuổi có khối lượng 25÷48 kg/con.

2. Lợn Xao Va có cấu trúc di truyền khác với 5 giống lợn địa phương khác ở Việt Nam (lợn Cỏ, lợn Chư Prông, lợn Mẹo, lợn Sóc, lợn Vân Pa), có đa dạng nguồn gen cao (9,75 alen/locus). Mức độ đồng huyết của lợn Xao Va ở mức trung bình (Fis = 0,08).
3. Đã xây dựng được đàn hạt nhân đủ số lượng (50 nái và 10 đực) và đạt chất lượng theo yêu cầu: số con sơ sinh sống đạt 7,24 con/ổ, khối lượng cai sữa đạt 3,62 kg/con, hệ số lứa đẻ 1,66 lứa/nái/năm.

4. Đã xây dựng đàn sản xuất lợn Xao Va đủ số lượng (150 nái và 20 đực) và đạt chất lượng theo yêu cầu: số con sơ sinh sống đạt 6,39 con/ổ, khối lượng cai sữa đạt 3,06 kg/con, hệ số lứa đẻ đạt 1,59 lứa/nái/năm.

5. Đã nghiên cứu xây dựng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và quy trình thú y phòng bệnh cho lợn Xao Va sinh sản và thương phẩm phù hợp, được hội đồng chuyên ngành thông qua.

6. Đã xây dựng đàn lợn Xao Va thương phẩm quy mô 300 con, tỷ lệ nuôi sống đạt 93,67%, khối lượng 8 tháng tuổi đạt 19,28 kg/con, lợi nhuận thu được là 398.152 VNĐ/con/lứa.

 

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3061

Về trang trước Về đầu trang