Tin KHCN trong nước
Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho Cộng đồng ASEAN bền vững (04/12/2019)
-   +   A-   A+   In  

Hội nghị các nhà khoa học trẻ ASEAN 2019 với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho Cộng đồng ASEAN bền vững” đã thu hút sự tham gia của 140 tiến sĩ, nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nước ASEAN, trong đó, 45 nhà khoa học trẻ tham dự tập huấn về Chương trình Lãnh đạo khoa học ASEAN.

Trong khuôn khổ hợp tác thanh niên ASEAN, hợp tác Khoa học và Công nghệ ASEAN, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức Hội nghị các nhà khoa học trẻ ASEAN 2019 tại Hà Nội từ ngày 01-05/12/2019 với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới cho Cộng đồng ASEAN bền vững”.

 

Hội nghị các nhà khoa học trẻ ASEAN 2019 là một trong những hoạt động quan trọng chuẩn bị cho chuỗi hoạt động dành cho thanh niên, trí thức trẻ trong năm 2020 khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây cũng là hoạt động chính thức nằm trong cơ chế hoạt động của Mạng lưới các nhà khoa học trẻ Đông Nam Á được Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN công nhận, đồng thời hiện thực hóa Kế hoạch hành động thanh niên ASEAN 2020.
 

 

Tham dự lễ khai mạc sự kiện sáng 2/12 có Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; Ngài Kung Phoak, Phó Tổng thư ký ASEAN; Đồng chí Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Đồng chí Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa.

 

Hội nghị các nhà khoa học trẻ ASEAN 2019 có sự đóng góp, hỗ trợ tích cực từ Trường Đại học Phenikaa thông qua Quỹ Đổi mới Sáng tạo Phenikaa, Hội đồng Thanh niên Singapore qua Quỹ Thanh niên Singapore - ASEAN, Mạng lưới Các nhà khoa học trẻ ASEAN và các doanh nghiệp như VinGroup, Vietravel…

 

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết: Công nghệ đang tiếp tục thay đổi thế giới với tốc độ chóng mặt. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một làn sóng những công nghệ mới làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

 

Với sự thúc đẩy mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, quá trình chuyển đổi này mang đến tiềm năng nâng cao mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, làm tăng hiệu quả nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới.

 

Trong bối cảnh đó, ASEAN đã xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và yêu cầu về việc duy trì tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển được đề ra trong Kế hoạch Hành động ASEAN về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (APASTI) 2016-2025 cũng như trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững. Tại Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là nền tảng và động lực phát triển đất nước, đóng góp tích cực vào tiến trình hơn 30 năm đổi mới và phát triển của đất nước, đồng thời, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hiện nay.

 

“Khái niệm phát triển nguồn nhân lực, trong đó, con người là trung tâm của sự phát triển, hay nói cách khác, phát triển vì con người, của con người và do con người chính là nguyên tắc chủ chốt làm cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang ý nghĩa bao trùm. Điều đó có nghĩa, con người cần được coi là nguồn giá trị sáng tạo và cần tạo ra một sự chuyển đổi mà trong đó, tất cả mọi người có thể tham gia tích cực, đóng góp và hưởng lợi từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

 

Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị này và tin rằng, đây sẽ là một diễn đàn có giá trị để các nhà khoa học trẻ ASEAN trao đổi kinh nghiệm và kiến thức, đề xuất các sáng kiến cũng như tạo ra mạng lưới cho sự hợp tác trong tương lai”, Thứ trưởng Định nói.

 

Với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho Cộng đồng ASEAN bền vững”, Hội nghị các nhà khoa học trẻ ASEAN 2019 lần này được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, đề xuất các sáng kiến và khuyến nghị về khoa học, công nghệ và hợp tác trong ASEAN, nhằm góp phần giải quyết các khó khăn, thách thức trong khu vực và xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển bền vững. Hội nghị cũng là cầu nối giữa các nhà khoa học trẻ Việt Nam với các mạng lưới khoa học uy tín quốc tế như Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu, mạng lưới các nhà khoa học trẻ ASEAN và mạng lưới các nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm khoa học thế giới.
 

 

GS.TS. Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cũng khẳng định, đây là cơ hội đặc biệt để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và đề xuất các sáng kiến, hợp tác trong ASEAN, đặc biệt đạt được mục tiêu chính của Hội nghị lần này là: Trao quyền cho các nhà nghiên cứu trẻ ASEAN có kỹ năng lãnh đạo; Thúc đẩy sự gắn kết và hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trẻ từ khả năng cạnh tranh nghiên cứu toàn cầu trong tương lai của ASEAN.

 

Được biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ, tài năng như Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia) cũng có nội dunghỗ trợ các nhà khoa học trẻ, hỗ trợ kết nối mạng trong các lĩnh vực nghiên cứu. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng vừa tổ chức thành công Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 năm 2019 với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước” tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của 130 trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 2771

Về trang trước Về đầu trang