Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng ở một số khu bảo tồn biển trọng điểm (15/11/2019)
-   +   A-   A+   In  

Hiện nay, qui hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài 6 khu bảo tồn biển (KBTB) đã thành lập, một số khu bảo tồn biển mới sẽ tiếp tục ra đời. Hầu hết các khu bảo tồn biển trong hệ thống đều coi rạn san hô là hệ sinh thái mục tiêu. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái rạn đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các khu bảo tồn này.

Hai khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và Cù Lao Chàm là những khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là những vùng mà hoạt động du lịch biển đang phát triển mạnh. Đồng thời, áp lực lên các vùng rạn san hô đang gia tăng do nhiều nguyên nhân. Theo kết quả đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái và đa dạng sinh học từ năm 2002 - 2008, ở vịnh Nha Trang, san hô cứng đã suy giảm độ phủ khá nhiều trong những năm qua do, do nhiều nguyên nhân như đánh mìn, neo đậu tàu thuyền, trầm tích, phát triển vùng ven bờ, sự bùng nổ của sao biển gai. Những nỗ lực gần đây đã hạn chế phần nào sự suy thoái nhưng sự phục hồi tự nhiên diễn ra chậm chạp trong khi áp lực về du lịch trong khu bảo tồn biển ngày càng tăng. Nghiên cứu năm 2008 cũng chỉ rõ sự suy giảm độ phủ san hô cứng ở Cù Lao Chàm ở một số khu vực mà nguyên nhân có thể là do tác động của bão lũ bất thường vào năm 2006.

Thực tế trên đây cho thấy sự cần thiết phải tiến hành các giải pháp phục hồ san hô cứng ở hai KBTB quan trọng này nhằm hỗ trợ cho phục hồi đa dạng sinh học và nguồn lợi rạn, đáp ứng nhu cầu bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên. Một điều cần phải quan tâm là làm sao duy trì được kết quả phục hồi nhân tạo và thúc đẩy tái tạo tự nhiên. Điều này chỉ có thể đạt được khi có một cơ chế quản lý thích ứng với đội ngũ nhân viên của KBTB hiểu biết nguyên tắc kỹ năng quản lý dựa trên quan điểm sinh thái học.

Từ thực tiễn trên đây, PGS. TS Võ Sĩ Tuấn, Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cùng các đồng nghiệp đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng ở một số khu bảo tồn biển trọng điểm” trong thời gian từ năm 2011 đến 2013. Đề tài đặt ra mục tiêu là xây dựng được mô hình phục hồi rạn san hô cứng tại các khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và vịnh Nha Trang.

Sau quá trình thực hiện hơn 2 năm, việc xây dựng mô hình phục hồi và quản lý rạn san hô ở các khu bảo tồn biển đã đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động của đề tài được triển khai với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan khoa học và ban quản lý các khu bảo tồn biển với sự tham gia của người dân sống trong khu bảo tồn biển. Hoạt động đào tạo bằng hình thức “học thông qua làm” đã mang lại lợi ích thiết thực cho khu bảo tồn biển (nhất là ở Cù Lao Chàm). Cơ chế quản lý sau phục hồi đã đạt được sự đồng thuận và là cơ sở cho việc mở rộng qui mô phục hồi và quản lý sử dụng hợp lý sau khi kết thúc đề tài.

Về mặt kỹ thuật, san hô cứng đã được phục hồi trên tổng diện tích là 5.550 m2 ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và 5.200 m2 ở Cù Lao Chàm. Thử nghiệm phục hồi cho phép lựa chọn các loài thích hợp tại từng khu vực dựa trên nguồn cho và điều kiện sinh thái, tỷ lệ sống của các loài hầu hết đều trên 60%. Nguyên nhân gây chết cũng đã được xác định, chủ yếu là do địch hại và tác động cơ học do hoạt động của con người. Trong các san hô phục hồi, các loài thuộc giống Acropora có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, nhưng khá nhạy cảm với tác động của con người và biển đổi điều kiện môi trường.

Hoạt động phục hồi và quản lý trong phạm vi đề tài đã góp phần cải thiện chất lượng hệ sinh thái ở các mức độ khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào độ dài thời gian thực hiện. Ở Nha Trang, tổng độ phủ của san hô sau quá trình phục hồi và quản lý tăng đáng kể đối với đông bắc Hòn Mun (đạt giá trị 37,5%, tăng 1,3 lần so với năm 2011) và Vinpearl 2 (đạt giá trị 26,3%, tăng 2,3 lần so với năm 2011) nhưng không tăng đối với khu vực Vinpearl 1. Mật độ cá rạn san hô tăng đáng kể vào thời điểm sau so với trước phục hồi ở đông bắc Hòn Mun (tăng gần 1,4 lần) và ở Vinpearl 1 (tăng hơn 2,1 lần). Ngược lại, mật độ cá không tăng ở Vinpearl 2, nơi bắt đầu phục hồi muộn hơn (từ tháng 4/2013). Về sinh vật đáy, đã ghi nhận một số thay đổi sau phục hồi như xuất hiện với số lượng ít các loài có giá trị thực phầm gồm Ốc đụn Trochus maculatus, Ốc tắc kè Lambis scopius, Bàn mai Pinna bicolor và Trai tai tượng Tridacna sp. ở một số khu vực.

Đối với Cù Lao Chàm, tại Bãi Hương độ phủ san hô cứng tăng 4% và san hô mềm tăng 3%, đưa tổng độ phủ tăng từ 11 lên 18%; còn ở khu vực Bãi Bấc, độ phủ san hô san hô cứng tăng 4% và san hô mềm tăng 7%, tổng độ phủ tăng từ 8 lên 19%. Mật độ cá trung bình có sự gia tăng tương ứng gần 1,6 lần tại Bãi Bắc và hơn 1,2 lần tại Bãi Hương. Tuy nhiên, mật độ sinh vật đáy không được cải thiện, thậm chí suy giảm vào thời điểm sau phục hồi và quản lý. Điều này chứng tỏ hiệu ứng phục hồi chưa cao và công tác quản lý chưa ngăn chặn được việc lặn bắt sinh vật đáy trong các khu vực lựa chọn.

Đối với khu bảo tồn biển Cồn Cỏ, thử nghiệm sơ bộ với tỷ lệ sống khá cao (trên 70%) và tốc độ tăng trưởng khá cho thấy khả năng của việc triển khai phục hồi trong tương lai.

 

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2891

Về trang trước Về đầu trang