Tin KHCN nước ngoài
Chế tạo thành công chất chống cháy cho cây rừng (04/10/2019)
-   +   A-   A+   In  

Hợp chất mới thân thiện với môi trường và rất bền, có thể bám và bảo vệ cây dù chịu tác động của mưa gió.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford phát triển một hợp chất giống gel có tác dụng như chất làm chậm cháy, có thể bảo vệ cây cối ở những nơi dễ xảy ra cháy rừng. Chất này cũng làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy.

 

Chất làm chậm cháy được chế tạo từ cellulose, thân thiện với môi trường và rất bền. Nó vẫn bám trên cây dù phải chịu mưa hay gió. Bạn có thể lựa chọn phun 76.000 lít chất mới để phòng tránh, hoặc 3.800.000 lít chất cũ sau khi lửa bùng phát, Anthony Yu, tác giả chính của nghiên cứu, nói.

 

Khi thực nghiệm, các nhà khoa học phun chất làm chậm cháy lên cỏ và cây bụi. Trải qua trận mưa 12,7 mm, nó vẫn thành công ngăn lửa bùng phát. Chúng tôi hy vọng chất mới này mang đến tiềm năng xác định và xử lý sớm những nơi có nguy cơ cao, giúp bảo vệ cuộc sống của người dân, theo Alan Peters, chuyên gia tại Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California.

 

Điều này có thể giúp công tác chống cháy trở nên chủ động hơn. Chúng ta đang chỉ giám sát những khu vực có nguy cơ cao và nín thở chờ đợi đến khi ngọn lửa bùng phát, sau đó mới hối hả đi dập, đồng tác giả nghiên cứu Eric Appel nhận xét.

 

Tình trạng ấm lên toàn cầu và một thế kỷ xử lý cháy không khéo léo khiến phần lớn miền tây nước Mỹ trở nên khô nóng với đầy những cây dễ bắt lửa, có khả năng bùng phát cháy rừng dữ dội. Mùa cháy năm 2019 không quá trầm trọng, nhưng hai mùa trước đó xảy ra những vụ cháy kỷ lục. Nhiều hệ sinh thái phụ thuộc vào những đợt cháy định kỳ nhưng ngày nay, phần lớn cháy rừng do con người gây ra. Cộng thêm những yếu tố trên, thảm họa này có xu hướng lan nhanh và mất kiểm soát.

 

Hiện trên thực tế đã có chất làm chậm cháy dùng để ngăn lửa bùng phát và lan rộng, thường chứa amoni photphat hoặc các chất dẫn xuất. Tuy nhiên, phần lớn chúng không bền, khiến hiệu quả bị hạn chế. Những chất chữa cháy giống gel, chứa nước và polymer siêu hấp thụ (SAP), thì lại mất tác dụng khi nước bốc hơi.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 2837

Về trang trước Về đầu trang