Các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT ở Melbourne, Ôxtrâylia, đã phát triển một phương pháp tiếp cận mới không tốn kém và hiệu quả để phát triển các cấu trúc nano trực tiếp lên trên vải. Những cấu trúc này có thể làm phân hủy chất hữu cơ khi tiếp xúc với ánh sáng.
Công trình nghiên cứu này mở đường hướng tới công nghệ dệt vải phủ cấu trúc nano có thể tự làm sạch các vết bẩn và bụi chỉ đơn giản bằng cách đặt chúng dưới bóng đèn hoặc phơi ra ngoài nắng.
TS. Rajesh Ramanathan nói: “Quy trình do nhóm nghiên cứu của ông phát triển có một loạt các ứng dụng cho các ngành công nghiệp sử dụng chất xúc tác như hóa chất nông nghiệp, dược phẩm và các sản phẩm tự nhiên và có thể dễ dàng mở rộng lên quy mô công nghiệp. Ưu điểm của loại vải này là chúng có cấu trúc 3D vì thế chúng hấp thụ ánh sáng rất tốt, do đó làm tăng tốc quá trình phân hủy các chất hữu cơ. Có nhiều việc phải làm trước khi chúng ta có thể không cần dùng đến máy giặt, tuy nhiên tiến bộ này đã đặt ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai vải tự làm sạch hoàn toàn".
Các nhà nghiên cứu đến từ Cơ quan Cảm ứng Sinh học Ian Potter và Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Công nghệ ano thuộc Đại học RMIT sử dụng các cấu trúc nano dựa trên đồng và bạc có khả năng hấp thụ ánh sáng khả kiến. Khi các cấu trúc nano tiếp xúc với ánh sáng, chúng nhận được một sự gia tăng năng lượng tạo ra các "electron nóng". Những "electron nóng" này giải phóng năng lượng cho phép các cấu trúc nano phân huỷ chất hữu cơ. Thách thức đối với các nhà nghiên cứu là đưa khái niệm ra khỏi phòng thí nghiệm bằng cách nghiên cứu cách chế tạo những cấu trúc nano này trên quy mô công nghiệp và gắn chúng cố định vào vải.
Phương pháp tiếp cận mới của nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT là để phát triển các cấu trúc nano trực tiếp lên vải bằng cách nhúng chúng vào một số dung dịch, dẫn đến sự phát triển các cấu trúc nano ổn định trong vòng 30 phút. Khi tiếp xúc với ánh sáng, chỉ cần chưa đầy sáu phút là một sốvải nano đã có thể tự làm sạch.
"Bước tiếp theo sẽ là thử nghiệm vải nano của chúng tôi với các hợp chất hữu cơ có thể phù hợp hơn với người tiêu dùng, để xem chúng có thể xử lý các vết bẩn thông thường như nước sốt cà chua hoặc rượu vang nhanh như thế nào", TS. Rajesh Ramanathan nói.
Nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Advanced Materials Interfaces.