Tin KHCN trong tỉnh
Thúc đẩy ứng dụng KH-CN vào sản xuất (23/09/2019)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 23/9, tại TP.Vũng Tàu đã diễn ra giao ban KH-CN vùng Đông Nam Bộ lần thứ XV. Tham dự có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo Sở KH-CN các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động KH-CN của vùng giai đoạn 2017-2019, định hướng giai đoạn 2019-2021; đồng thời trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các địa phương về các vấn đề KH-CN có tính liên tỉnh, liên vùng.

Dự và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy nhận định, giai đoạn 2017-2019, hoạt động KH-CN của từng địa phương cũng như của vùng Đông Nam Bộ đạt được nhiều kết quả tích cực. Các tỉnh, thành đều đã hình thành được các khu, cụm, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và bước đầu cho kết quả tốt. Nhiều địa phương tiếp tục dành từ 65-70% kinh phí sự nghiệp cho KH-CN từ ngân sách Nhà nước để chi hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ. Từ năm 2017 đến nay, các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ đã quan tâm triển khai nhiệm vụ ở quy mô lớn, lấy DN làm trung tâm hỗ trợ. Các nhiệm vụ KH-CN đều thực hiện theo hình thức đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và có khả năng chuyển giao, ứng dụng trong thực tế, góp phần thiết thực trong phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết: “Nổi bật nhất là trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, kết quả KH-CN đã được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn tạo giống mới cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng thay thế giống nhập ngoại”.

 

Tại BR-VT, thời gian qua, nhiều tiến bộ KH-CN đã được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều dự án sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh ứng dụng KH-CN để đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP như: Dự án xây dựng mô hình sản xuất  rau ăn lá, quả đạt chứng nhận VietGAP tại xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ); dự án xây dựng các mô hình chuyển đổi thâm canh một số cây trồng có hiệu quả tại xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc). Các loại trái cây đặc sản như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu (ta) cũng đã được xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý và được tiêu thụ tại nhiều siêu thị lớn. Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh cho biết, bên cạnh đó, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về KH-CN cũng được triển khai như: Đề tài nghiên cứu ứng dụng một số chế phẩm chứa nano bạc trong phòng trừ bệnh hại và làm tăng năng suất trên một số loại rau; Dự án xây dựng mô hình nhà màng 2.000m2 ứng dụng công nghệ internet vạn vật sản xuất và cung ứng dưa lưới… Các tiến bộ  kỹ thuật phục vụ công tác bảo quản và chế biến hải sản sau thu hoạch cũng được triển khai như: Đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt hệ thống sấy ống mực bằng công nghệ sấy chân không trên tàu hải sản xa bờ có năng suất 400kg/mẻ; Xây dựng mô hình nuôi cá biển quy mô công nghiệp ứng dụng lồng nhựa và công nghệ cao ở vùng biển mở. Ngoài nông nghiệp, các lĩnh vực khác như: y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xã hội và nhân văn,  khoa học tự nhiên,…cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong nghiên cứu khoa học.

 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần khắc phục như: Nguồn nhân lực KH-CN, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu ở một số lĩnh vực còn thiếu. Hoạt động KH-CN chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng và vị trí của vùng. Một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu, đòi hỏi sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Công tác thẩm định các dự án đầu tư còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu…

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KH-CN của vùng trong thời gian tới. Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, nhất là trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên những nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành. Đồng thời, Nhà nước cần sát cánh cùng với DN để tạo lập liên kết 3 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà DN), liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà nông) để hỗ trợ các DN trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, giúp người nông dân được tiếp cận với công nghệ. Các tỉnh cũng cần tăng cường phối hợp trong công tác quản lý và triển khai các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH-CN để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất và sản phẩm phù hợp với thế mạnh của vùng.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 5991

Về trang trước Về đầu trang