Tin KHCN trong nước
15 sản phẩm vào chung kết cuộc thi ‘Sáng tạo trong tầm tay’ (11/09/2019)
-   +   A-   A+   In  

15 sản phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo trong tầm tay” sắp diễn ra vào cuối tháng 9 này tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do Cục Công tác phía nam (Bộ KH&CN) tổ chức.

Đây là cuộc thi nhằm phát huy giá trị sản phẩm nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ thông qua các ứng dụng, giải pháp, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tính đột phá, có tiềm năng phát triển; xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp; chuyển tải thông điệp về giải pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích start-up tới các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực Đông Nam Bộ.

 

Đối tượng có thể dự thi là các tổ chức, cá nhân có những giải pháp, mô hình đã được ứng dụng trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhà tổ chức cuộc thi nhấn mạnh khuyến khích các dự án/sản phẩm có ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa phục vụ chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp (các phần mềm chỉ dẫn địa lý, mô phỏng điều kiện môi trường dự báo cho canh tác nông nghiệp…).

 

Những mô hình có tính lan tỏa cao trong cộng đồng, mang tính liên kết vùng cũng được khuyến khích (liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, hợp tác doanh nghiệp-nhà nước)…

 

Dự án/sản phẩm tham gia “Sáng tạo trong tầm tay” năm 2019 sẽ trải qua 3 vòng thi gồm: Vòng sơ kết (hồ sơ dự thi gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Ban Tổ chức cuộc thi tại Sở KH&CN các tỉnh vùng Đông Nam Bộ (đến hết tháng 6/2019), hoàn thành vòng sơ kết cuối tháng 7/2019), vòng bán kết (các hồ sơ được xét duyệt và đánh giá tại Cục Công tác phía nam đến hết ngày 20/7/2019), vòng chung kết (dự án được đánh giá, bình chọn, tham gia thuyết trình trước hội đồng giám khảo và được trao giải tại Bà Rịa-Vũng Tàu).

 

Từ 81 mô hình, sản phẩm tham gia vòng sơ loại, Hội đồng Khoa học chuyên môn tại các đơn vị đã đánh giá và lựa chọn 43 mô hình, sản phẩm vào vòng bán kết. Ngày 15/8 vừa qua, Hội đồng Khoa học của cuộc thi đã tiến hành họp, đánh giá chất lượng của 43 mô hình, sản phẩm và đã lựa chọn được 15 mô hình, sản phẩm có chất lượng tốt nhất vào vòng chung kết.

 

TS. Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía nam của Bộ KH&CN nhấn mạnh: Cuộc thi còn nhắm đến mục tiêu cổ vũ cho các start-up “yếu thế”, đặc biệt là nông dân - những người rất giỏi triển khai, đúc kết thực tiễn và cải tiến sản xuất, nhưng lại khá “mờ mịt” về quản trị, tài chính hay mô hình kinh doanh.

 

“Có rất nhiều nông dân đã tự làm được không ít sản phẩm khá thành công trên thực tế, nhưng các dự án ấy lại rất khó đáp ứng đủ điều kiện để ‘chen chân’ vào các vườn ươm doanh nghiệp, và tất nhiên cũng khó mà được các nhà đầu tư ‘để mắt’ tới. Chúng tôi muốn có một cuộc thi mang đến sự đánh giá nhất định với những dự án như vậy. Ít ra sau cuộc thi này, dù không giành được giải thưởng thì các nhà khởi nghiệp ‘chân lấm tay bùn’ cũng có dịp cọ xát và nhận ra cần phải bổ khuyết thêm những gì cho sản phẩm của mình”, ông Phạm Xuân Đà chia sẻ thêm.

 

Cuộc thi sẽ trao 1 giải nhất (50 triệu đồng), 2 giải nhì (20 triệu đồng/giải), 3 giải ba (10 triệu đồng/giải) và 9 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải).

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 3146

Về trang trước Về đầu trang