Tin KHCN trong nước
Ứng dụng công nghệ thông tin - giải pháp tối ưu cho việc xây dựng nhà máy thông minh (30/08/2019)
-   +   A-   A+   In  
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Một trong các giải pháp để chủ động, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường quản lý nhờ áp dụng công nghệ thông tin.

Các nhà điều hành và quản lý của nhà máy đều hướng tới một mục tiêu chung: ”Tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm giờ làm và qua đó giảm chi phí sản xuất”.

Để đạt được những mục tiêu trên doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp cải thiện phương thức quản lý, chuyển đổi công nghệ, nâng cấp dây chuyền… Trong đó, việc đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý là một trong những giải pháp tối ưu nhất, tạo tiền đề cho việc xây dựng nhà máy thông minh.

Tăng cường quản lý

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc thay đổi công nghệ là khó khăn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Giải pháp thay đổi phương thức quản lý áp dụng công nghệ thông tin và có thể kết hợp với nâng cấp dây chuyền là phương án phù hợp hơn nên được nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng.

Trọng tâm của giải pháp là xây dựng kế hoạch sản xuất tối ưu nhất đến từng phân xưởng, từng dây chuyền và từng cá nhân tham gia vào dây chuyền sản xuất.

Các yêu cầu đối với phương thức quản lý mới: Lập báo cáo thống kê hàng ngày về hiện trạng sản xuất, báo qua phần mềm; Thông báo thường xuyên và từ xa cho các tổ trưởng, chuyền trưởng, phân xưởng về Kế hoạch, năng suất, sản lượng hiệu suất hiện tại để từ đó có hướng cố gắng; Giám sát tiến độ sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm tại mọi thời điểm từ đó đưa ra quyết định tốt nhất khi có sự cố về chất lượng, hay chậm tiến độ trong quá trình sản xuất; Bước đầu áp dụng các hệ thống quản lý ứng dụng công nghệ thông tin như ERP (phần mềm Quản lý sản xuất – hệ thống lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp), MES (hệ thống thực hiện sản xuất), WMS (Hệ thống quản lý nhà kho).

Các lợi ích đạt được khi áp dụng tại giai đoạn này: giám sát được thực tế sản xuất, năng suất hoạt động của doanh nghiệp cao hơn, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp đối thủ.

Áp dụng nhà máy thông minh

Giải pháp nhà máy thông minh là một cơ sở sản xuất được số hóa và kết nối cao, dựa vào sản xuất thông minh. Một nhà máy thực sự thông minh khi tất cả các máy móc và thiết bị có thể cải thiện các quy trình thông qua tự động hóa và tối ưu hóa.

Một nhà máy thông minh hoạt động bằng cách sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, phân tích, dữ liệu lớn và internet của vạn vật (IoT) và có thể tự vận hành phần lớn với khả năng tự điều chỉnh để ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn kinh doanh sản xuất từ ​​chế biến nguyên liệu, theo dõi quy trình chất lượng, đóng gói và phân phối.

Trong việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang mô hình nhà máy thông minh, cần áp dụng robot, hay các cobot, và những công nghệ mới, có hiệu quả cao trong sản xuất như: công nghệ in 3D, công nghệ đo lường…

 

Việc áp dụng nhà máy thông minh trong sản xuất được cho rằng sẽ đem lại những kết quả ấn tượng: Giảm 75% thời gian nhập dữ liệu sản phẩm trung bình; Giảm 61% thời gian làm việc với tài liệu, văn bản; Giảm 56% tổn thất do công việc giấy tờ; Giảm 45% thời gian chu trình sản xuất; Giảm 27% thời gian chờ hàng; Giảm 24% thời gian tái cấu trúc; Giảm 18% sai sót sản phẩm.

Để thực hiện nhà máy thông minh, ngoài việc cần đầu tư nguồn vốn lớn, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến nhân lực. Nhân lực là một yếu tố thiết yếu để chuẩn bị cho giải pháp nhà máy thông minh nhằm có được một đội ngũ nhân lực mới được trang bị đầy đủ kiến thức tiên tiến để vận hành công nghệ IoT hoặc làm việc các nhà máy thông minh”.

Đơn cử như Công ty Vinamilk, theo kịp xu hướng phát triển nhà máy thông minh, Công ty Vinamilk cũng đã xây dựng Nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương - nhà máy sản xuất sữa lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á. Tại đây, các dây chuyền sản xuất đã được tự động hóa hoàn toàn và một nhà kho với toàn bộ quy trình vận chuyển thành phẩm do robot thực hiện. Những chú robot tự hành này sẽ đi tìm ắc-quy đã được nạp đầy điện để tự thay khi nhận thấy sắp hết năng lượng.

Những ứng dụng công nghệ đã được doanh nghiệp đưa vào thực tế sản xuất nhưng theo các chuyên gia, để đạt được trình độ sản xuất tiên tiến như nhà máy thông minh đúng nghĩa thì cần có quá trình phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và con người. Hiện nay, dù làn sóng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ nhưng vì nhiều yếu tố, xu hướng nhà máy thông minh mới chỉ manh nha ở Việt Nam.

Hay như, trong ngành giải khát, Công ty Coca-Cola cũng đã bắt tay xây dựng nhà máy thông minh. Từ năm 2013 đến nay, Coca-Cola liên tiếp đầu tư các dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất. Bà Phạm Nhã Uyên - Giám đốc Tiếp thị Coca-Cola khu vực Đông Dương cho biết, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp 4.0, Coca-Cola sẽ vận hành mô hình nhà máy sản xuất thông minh.

Trong đó, nhà máy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, số hóa và đồng bộ cơ sở dữ liệu cùng hệ thống cảm biến thông minh kiểm soát các chỉ tiêu chất lượng, tạo quy trình sản xuất khép kín sẽ cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao.

Toàn bộ dây chuyền sản xuất được tự động hóa và điều khiển bằng robot. Hệ thống kho cũng ứng dụng công nghệ thông minh, xuất, nhập hàng tự động, cùng hệ thống quản lý vận tải tích hợp hệ thống định vị toàn cầu, giúp việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3783

Về trang trước Về đầu trang