Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu cấu tạo, tính chất vật lý, cơ học và thành phần hoá học của một số loài gỗ và tre thông dụng ở Việt Nam làm cơ sở cho chế biến, bảo quản và sử dụng (Giai đoạn II: 2011-2015) (13/08/2019)
-   +   A-   A+   In  

Nghiên cứu xác định tính chất vật lý, cơ học, hoá học và cấu tạo giải phẫu của gỗ và tre ở nước ta có một ý nghĩa to lớn. Kết quả xác định tính chất vật lý, cơ học và hoá học gỗ là cơ sở khoa học rất cơ bản để tìm hiểu về bản chất của gỗ, là căn cứ cho chế biến, bảo quản và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên gỗ; là những tiêu chí để đánh giá chất lượng rừng, đánh giá tuyển chọn giống; nghiên cứu những ảnh hưởng của các nhân tố môi trường, biện pháp kinh doanh. 

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu từ trước cho đến nay còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được những nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn sản xuất. Nghiên cứu cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu về cấu tạo, tính chất vật lý, cơ học và thành phần hóa học của gỗ và tre là công việc thực hiện lâu dài nhưng từng bước phải đạt được kết quả thiết thực.

Đề tài: "Nghiên cứu cấu tạo, tính chất vật lý, cơ học và thành phần hoá học của một số loài gỗ và tre thông dụng ở Việt Nam làm cơ sở cho chế biến, bảo quản và sử dụng" (Giai đoạn II: 2011 - 2015) do nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt nam thực hiện, tiếp tục thực hiện các công việc của giai đoạn I và nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản chung nêu trên.

Đề tài nhằm mục tiêu lập được cơ sở dữ liệu về tính chất cơ học, vật lý, hoá học và bản mô tả cấu tạo giải phẫu cho các loài gỗ và tre ở Việt Nam để phục vụ cho sử dụng, chế biến và bảo quản.

Kết quả nghiên cứu về cấu tạo giải phẫu gỗ, 14 tính chất cơ học, vật lý và 10 đặc tính liên quan đến thành phần hóa học của 20 loại gỗ mới gồm: Sấu, Huỷnh, Tông dù, Kháo nhậm (Bời lời đỏ), Dầu mít, Giổi xanh, Sồi phảng, Lim xẹt, Lò bo, Bằng lăng lá xoan, Vàng tâm, Thanh thất, Tếch, Phi lao, Sa mu, Cóc hành, Keo lá liềm, Gáo vàng, Cà na, Chò xanh được sử dụng trong đánh giá và định hướng chế biến, bảo quản và sử dụng. Các thí nghiệm tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành của Việt nam và thế giới, đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu, góp phần định hướng cho chế biến, bảo quản và sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn những loại gỗ này.

Kết quả nghiên cứu về cấu tạo giải phẫu, 9 tính chất cơ học, vật lý và 10 đặc tính liên quan đến thành phần hóa học của 5 loại tre mới gồm Mai, Gầy, Nứa lá to, Bương, Lồ ô được sử dụng trong đánh giá và định hướng chế biến, bảo quản và sử dụng. Các thí nghiệm tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành ISO 22157, đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu, góp phần định hướng cho chế biến, bảo quản và sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn 5 loài tre này.

Tiêu bản gỗ và thực vật của 20 loài cây gỗ và 5 loài tre đã bổ sung vào bộ sưu tập của Viện, bảo quản tốt những mẫu vật đang có.

Chương trình lưu trữ và tra cứu “Tên gọi và đặc tính gỗ, tre Việt Nam” đã được xây dựng và trong cơ sở dữ liệu có 110 loài có đủ cả đặc điểm giải phẫu gỗ và tính chất cơ vật lý, 50 loài chỉ có đặc điểm giải phẫu gỗ và 50 loài chỉ có tính chất cơ vật lý gỗ.

Chương trình này có tính năng lưu trữ cơ sở dữ liệu của các loài gỗ và tre về tên gọi và đặc tính gỗ đồng thời giúp cho tra cứu các thông tin về tên và đặc tính gỗ nhanh chóng. Phần mềm không thua kém các phần mềm tương tự ở một số phòng nghiên cứu khoa học gỗ trên thế giới và ở Việt Nam. Các tính năng của phần mềm đều được thực hiện trực tuyến trên internet và được bảo mật thông tin, hình ảnh, chống sao chép.

Cuốn Át-lát cấu tạo, tính chất gỗ và tre Việt Nam, gồm 45 loại gỗ và 5 loại tre đã được biên soạn với nhiều hình ảnh mô tả in mầu, rất hữu ích khi sử dụng.

 

 

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2740

Về trang trước Về đầu trang