Đề tài có 2 hồ sơ đăng ký tổ chức chủ trì gồm:
Hồ sơ 1: tổ chức đăng ký chủ trì là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Minh đăng ký làm chủ nhiệm đề tài.
Hồ sơ 2: tổ chức đăng ký chủ trì là Viện Công nghệ sinh học, TS Nguyễn Thị Diệu Thúy đăng ký làm chủ nhiệm đề tài.
Theo số liệu thống kê năm 2018, tỉnh Sơn La phát triển với hơn 320.000 con bò, 582.000 con lợn. Ngành chăn nuôi bò sữa rất phát triển ở khu vực Mộc Châu, riêng chăn nuôi lợn chủ yếu nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, chỉ có 14 trang trại nuôi lợn tập trung với quy mô lớn. Tại các khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ hầu hết chất thải chưa được xử lý, thu gom gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý chất thải trong chăn nuôi bò, lợn sẽ xử lý được nước thải trong chăn nuôi và xử lý chất thải rắn thành phân bón trong các hộ chăn nuôi bò, lợn ở Sơn La nhằm giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường đồng thời hạn chế nguồn phát sinh mầm bệnh cho người và vật nuôi.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã thảo luận, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của từng hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn. Theo đánh giá, về cơ bản 2 hồ sơ tham gia tuyển chọn đáp ứng định hướng mục tiêu, nội dung nghiên cứu theo thông báo tuyển chọn, đảm bảo được tính mới, tính sáng tạo, tính cấp thiết, không trùng lặp của đề tài với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã và đang thực hiện.
Sau khi thảo luận, Hội đồng đã chấm điểm đánh giá đối với 2 hồ sơ đăng ký tuyển chọn, kết quả trung bình: Viện Công nghệ sinh học đạt 78,3 điểm; Học viện Nông nghiệp Việt Nam đạt 64,8 điểm. Hội đồng công bố Viện Công nghệ sinh học trúng tuyển là tổ chức chủ trì, TS Nguyễn Thị Diệu Thúy làm chủ nhiệm đề tài.