Tin KHCN trong nước
Hà Tĩnh: Phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng mạnh mẽ KH&CN vào sản xuất và đời sống (07/06/2019)
-   +   A-   A+   In  

Mới đây, Sở KH&CN Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành (5/6/1959 - 5/6/2019). Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cùng các Ủy viên BTV Tỉnh ủy đến dự.

Cùng dự có nguyên lãnh đạo tỉnh các thời kỳ; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương; đại diện lãnh đạo ngành KH&CN các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…

60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, trải qua nhiều tên gọi khác nhau nhưng ở giai đoạn nào, hoạt động của ngành KH&CN Hà Tĩnh cũng luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Cùng với quá trình phát triển của Hà Tĩnh, ngành KH&CN đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả, đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào tiến trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bước sang giai đoạn mới, khi KH&CN phát triển như vũ bão, đưa lại những tiến bộ phi thường, những thành tựu kì diệu, vai trò của KH&CN được thể hiện ngày càng rõ nét. Đặc biệt, là việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng hàng hoá và xây dựng môi trường bền vững, góp phần làm cho nền kinh tế tỉnh nhà có sự tăng trưởng nhanh, nhất là lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững và xây dựng NTM.

Nhiều sản phẩm chủ yếu của tỉnh như cam, bưởi, nước mắm, cu đơ, nhung hươu, nghề mộc, làng nghề… đã được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý, làm tăng giá trị từ 30 - 40% so với sản phẩm thông thường.

Với những thành tích xuất sắc trong thời gian qua, Sở KH&CN vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (năm 1999), hạng Nhì (năm 2004), hạng Nhất (năm 2009), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2018) và nhiều phần thưởng cao quý khác như Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh năm 2009, 2014, 2018; Cờ và thi đua xuất sắc của Bộ KH&CN năm 2010, 2014 và nhiều bằng khen của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh và nước bạn Lào,...

Phát biểu chúc mừng tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cho rằng, những năm qua, ngành KH&CN không ngừng lớn mạnh, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt là công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng đóng góp quan trọng vào việc chống gian lận thương mại, hạn chế sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng…

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có nhiều đổi mới. Các đề tài, dự án và hàng trăm sáng kiến khoa học được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn ở hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp, CN - TTCN, y tế, KHXH&NV… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; từng bước xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm làng nghề có thương hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong những năm gần đây, ngành cũng đã chủ động tham mưu cho tỉnh về những định hướng lớn, nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển KH&CN. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ KH&CN trưởng thành cả về số lượng và chất lượng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, trong những năm tiếp theo, nhiệm vụ đặt ra đối ngành KH&CN là hết sức nặng nề. Ngoài việc duy trì, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các công việc đã thực hiện, ngành cần tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về KH&CN; ưu tiên các nguồn lực và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để phát triển gắn với các quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển của tỉnh; đầu tư vào các hướng KH&CN mũi nhọn, có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Bên cạnh những nhiệm vụ được giao, ngành cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng những kết quả nghiên cứu, thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống của nhân dân; thương mại hóa các sản phẩm khoa học phục vụ phát triển KT - XH.

Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về KH&CN, để có đội ngũ cán bộ khoa học đáp ứng trình độ, năng lực cho sự phát triển trong giai đoạn mới.

Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ thị trường KH&CN theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ trong và ngoài nước, chủ động hội nhập quốc tế.

 

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Số lượt đọc: 3231

Về trang trước Về đầu trang