Tin KHCN trong nước
Công nghệ tạo thức ăn cho gia súc và cây trồng từ rơm, lá mía (02/05/2019)
-   +   A-   A+   In  

Từ phế phẩm nông nghiệp các nhà khoa học đã sử dụng để làm thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, thân ngô, lá mía, dây khoai, dây lạc...) vốn bị coi là rác, bà con nông dân thường phải đốt bỏ sau mỗi mùa vụ. Các nhà khoa học Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu, tận dụng chúng để sản xuất thức ăn gia súc và phân bón cho cây trồng.

Với sản phẩm đầu ra là thức ăn chăn nuôi trâu, bò, nhóm nghiên cứu đã chế biến thành hai dạng là thức ăn thô cho chăn nuôi trâu, bò phân tán tại các khu vực nguồn thức ăn khan hiếm thường xuyên hoặc theo mùa và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) cho chăn nuôi tập trung.

Nguyên liệu được sử dụng là phụ phẩm nông nghiệp, đưa vào dây chuyền nghiền nhỏ, trộn đều cùng rỉ mật, urê và một số thành phần khác rồi ép tạo viên có đường kính từ 6 - 10 mm.

Ở công thức sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cũng theo quy trình tương tự nhưng nguyên liệu đầu vào được băm nhỏ hơn với kích thước trung bình 2 - 5 cm và phối trộn cùng nhiều phụ gia để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi ở mỗi lứa tuổi.

Thử nghiệm trên thực tế, trâu, bò ăn tốt, ăn hết khẩu phần và sinh trưởng và phát triển mạnh, đặc biệt là với thức ăn TMR. 

Ở sản phẩm phân bón hữu cơ, nguyên liệu đầu vào được nghiền nhỏ giúp quá trình ủ phân diễn ra nhanh, phân thành phẩm hình thức đẹp hơn, sau đó, phối trộn với chế phẩm vi sinh gồm 3 chủng vi sinh vật nêu trên, ủ hỗn hợp lên men trong vòng 25 – 30 ngày rồi phân loại, đánh tơi.

Nhóm nghiên cứu phân lập được 3 chủng vi sinh vật (đã cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích) có thể phân hủy chất xơ (trong các phụ phẩm nông nghiệp) ở nhiệt độ cao tới 65 độ C (các chủng vi sinh vật phổ biến chỉ chịu được 55 độ C). Vì vậy, chúng có thể tiêu diệt vi sinh vật, vi khuẩn có hại trong nguyên liệu đầu vào trong thời tiết nắng nóng của mùa hè, giúp hạn chế việc đảo trộn đống ủ. Kết quả cho ra phân hữu cơ vi sinh dạng bột.

Muốn có phân bón dạng viên tan chậm, không bị rửa trôi, gió thổi bay khi bón, khó đấu trộn với tạp chất làm giả, phân dạng bột được đưa vào ép thành viên hình trụ với đường kính từ 6 -10 mm (hoặc có thể thay đổi theo yêu cầu).

Công nghệ này cũng cho phép tận dụng chất thải trong chăn nuôi như phân, đệm lót sinh học (chất rải sàn chuồng nuôi)... để sản xuất phân hữu cơ vi sinh có hàm lượng hữu cơ 50 – 60%, cao hơn ở phân hữu cơ vi sinh từ phụ phế phẩm nông nghiệp (45 – 50%).

Áp dụng vào thực tế, chỉ cần sử dụng lượng phân hữu cơ vi sinh bằng 1/3 lượng phân chuồng để bón cho cây ra cùng năng suất thu hoạch (bón cho một gốc cam chỉ cần 6 – 7kg phân hữu cơ vi sinh thay vì 25 – 30kg phân chuồng). 

TS. Nguyễn Năng Nhượng, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, chủ nhiệm đề tài cho biết, trong thời gian tới, nhóm sẽ đưa ra quy mô sản xuất đa dạng để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi, trồng trọt, phù hợp với trữ lượng nguồn nguyên liệu đầu vào và khả năng đầu tư của doanh nghiệp. 

 

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 3081

Về trang trước Về đầu trang