Tin KHCN trong nước
Nâng cao giá trị thương hiệu nông sản nhờ ứng dụng thành công khoa học công nghệ (09/03/2023)
-   +   A-   A+   In  
Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ, sản phẩm chủ lực gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.

Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã tỉnh Sơn La đã cùng nhau xây dựng và phát triển mô hình sản xuất xanh; ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong quản lý, nuôi trồng sản phẩm. Nhờ đó, tại các đơn vị đã xây dựng thành công chuỗi giá trị khép kín, đồng thời công tác quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng cũng được thuận lợi. 
Điển hình cho sự thay đổi này là trường hợp của HTX Nông Xanh khi ứng dụng công nghệ sản xuất rau an toàn và đầu tư công nghệ làm mát để bảo quản rau. Hay HTX nông nghiệp Bảo Minh đã ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cây ăn quả và sử dụng lò ép nhiệt để sấy nông sản.
Mô hình ứng dụng công nghệ lò ép nhiệt để sấy nông sản tại một HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La (Ảnh: vnbusiness.vn/)
Theo chia sẻ của Ban Giám đốc HTX Nông Xanh, từ khi đơn vị được trang bị kho lạnh, việc bảo quản rau và các sản phẩm nông nghiệp được thực hiện tương đối dễ dàng, hiệu quả thu được khá rõ rệt: “Sau khi thu hoạch rau vào buổi sáng, các thành viên sẽ cho vào kho làm mát để gần chiều sơ chế và đóng gói, vận chuyển đi các nơi. Làm như vậy, nhiệt độ tương đối ổn định, giúp rau giữ được độ tươi, giảm thiểu tỷ lệ hao hụt" - đại diện Ban Giám đốc HTX Nông Xanh cho hay.
Tương tự với trường hợp của hai HTX Nông Xanh và Bảo Minh, HTX Cơ khí Xuân Hải cũng là một ví dụ điển hình của tỉnh Sơn La trong việc ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, quản lý kinh doanh. Nắm bắt sự dịch chuyển của khoa học công nghệ, cùng những yêu cầu trong việc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và tỉnh Sơn La, HTX Cơ khí Xuân Hải đã nhanh chóng triển khai ứng dụng dây chuyền sản xuất nước mắm từ cá mương ở lòng hồ thủy điện Quỳnh Nhai theo phương pháp Enzyme. Đây là công nghệ tiên tiến do Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Hà Nội) hỗ trợ, nhằm tạo ra sản phẩm nước mắm truyền thống đặc trưng của Quỳnh Nhai, có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân.
Theo ông Tòng Văn Hải, Giám đốc HTX Cơ khí Xuân Hải, nhờ ứng dụng công nghệ sản xuất mới đã nâng quy mô sản xuất của HTX lên mức 1 tấn nguyên liệu/mẻ; giúp tạo ra sản phẩm nước mắm được Sở Y Tế cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được bày bán tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP huyện và các điểm chợ, trung tâm mua sắm trong và ngoài tỉnh.
Từ những hiệu quả đạt được, hiện tỉnh Sơn La đang tiếp tục triển khai hỗ trợ cho 10 HTX khác áp dụng và đánh giá chứng nhận hệ thống sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, đặc biệt hỗ trợ HTX Nông nghiệp xanh 26-3 thí điểm quy trình kỹ thuật “Ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất cà chua và dưa lê vàng chất lượng cao theo hướng VietGAP tại tỉnh Sơn La”.
Với sự cởi mở trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, có thể thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ tại các HTX hiện nay là rất phù hợp, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất tại các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La, góp phần tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn. Thông qua đó, các HTX sẽ tạo dựng được nền móng vững chắc để xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, thu hút các doanh nghiệp mở rộng liên kết sản xuất trong tương lai.

 

Nguồn: khcncongthuong.vn

Số lượt đọc: 1157

Về trang trước Về đầu trang