Tin KHCN trong nước
Hợp tác giáo dục chuyển giao công nghệ và tri thức châu Âu - Việt Nam (13/04/2019)
-   +   A-   A+   In  

Từ ngày 25/3 đến 5/4/2019, trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác giáo dục chuyển giao công nghệ và tri thức châu Âu - Việt Nam (Vietnamese - European Knowledge and Technology Transfer Education Consortium - VETEC), tại trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo “Chuyển giao kiến thức và công nghệ tại Việt Nam: Các chiến lược và kế hoạch thực hiện”.

PGS TS Đoàn Văn Hồng Thiện, Khoa công nghệ, trường ĐH Cần Thơ cho biết: các hoạt động trong chuỗi hội thảo nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa các chuyên gia từ các khu vực khác nhau ở Việt Nam và các trường đại học châu Âu về chuyển giao kiến thức và công nghệ cho thương mại hóa. Các thảo luận về khả năng áp dụng các mô hình thực tiễn về chuyển giao công nghệ của châu Âu trong điều kiện Việt Nam, hoạch định chiến lược và kế hoạch để phát triển bền vững tri thức và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam trong tương lai để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và quốc gia.

Để đạt được mục đích đó, hội thảo xoay quanh các vấn đề chính gồm: một số ví dụ điển hình về chuyển giao công nghệ ở các nước châu Âu; những thách thức của chuyển giao công nghệ ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam; đề xuất các chiến lược và kế hoạch để vượt qua các khó khăn của chuyển giao công nghệ thông qua lựa chọn và điều chỉnh các thực hành mô hình tốt nhất của các nước châu Âu để áp dụng trong điều kiện Việt Nam; giới thiệu dự án ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên; phát triển mạng lưới phát triển bền vững chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng tổ chức cho các đại biểu tham quan các đơn vị liên quan đến chuyển giao công nghệ tại trường Đại học Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

Bà Mai Hồng Trang, Đại học Dresden, Đức cho biết: Đức thúc đẩy họat động xã hội trí thức, môi trường có 6 mảng liên quan hợp tác nghiên cứu robot, thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo. Trong đó, không gian sáng tạo được các trường quan tâm rất nhiều. Không gian này không chỉ tạo cơ hội cho sinh viên, giảng viên mà người dân cũng có thể tham gia được, qua đó thúc đẩy việc chuyển đổi từ các phương pháp giảng dạy truyền thống sang mô hình học tập trải nghiệm hiện đại và có sự tham gia của cộng đồng. Thông qua các hoạt động học tập thực tế, đào tạo trên các thiết bị chuyên ngành, phát triển các kỹ năng xây dựng nguyên mẫu, và trải nghiệm công nghệ sản xuất hiện đại, các “phòng lab di động” này sẽ cung cấp cơ hội cho các đối tác doanh nghiệp tham gia vào việc hướng dẫn, giảng dạy, và hợp tác với sinh viên và giảng viên trong nghiên cứu và phát triển các dự án. Kết quả sau 2 năm đã có hơn 2.100 người tham gia ở 33 địa điểm; trong đó nhiều công ty start up thành công và có lợi nhuận.

Dự án VETEC được thực hiện trong 3 năm (9/2016 - 9/2019). Với các thế mạnh trong nghiên cứu và sáng tạo của các đối tác ở Việt Nam, cập nhật các kiến thức và kinh nghiệm về năng lực chuyển giao công nghệ và tri thức từ các chuyên gia châu Âu, các trường được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển tích cực; các kết quả của Dự án sẽ được ứng dụng rộng rãi và sử dụng để phát triển các chương trình đào tạo về chuyển giao công nghệ và tri thức.

Dự án VETEC thuộc Chương trình Erasmus+ Key Action 2 (Hợp phần Nâng cao năng lực giáo dục đại học), với kinh phí trên 700.000 EURO do ERASMUS+ tài trợ nhằm tạo ra mạng lưới phát triển đào tạo chuyển giao công nghệ và tri thức giữa châu Âu và Việt Nam. Các đối tác chính tham gia Dự án gồm 3 trường đại học tại Việt Nam (Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ) và 3 trường đại học tại châu Âu (Đại học Tự do Brussel, Bỉ; Đại học Kỹ thuật Dresden, Đức; Đại học Aveiro, Bồ Đào Nha). Bên cạnh đó còn 7 thành viên hỗ trợ khác, trong đó có Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 3788

Về trang trước Về đầu trang

EMC Đã kết nối EMC