Tin KHCN trong nước
Thu thập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn phân giải chlorpyrifos (19/03/2019)
-   +   A-   A+   In  

Đề tài do tác giả Đoàn Thị Mộng Thắm và cộng sự (Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ) thực hiện nhằm phân lập các vi khuẩn có khả năng làm suy giảm chlorpyrifos, một chất diệt côn trùng phosphate hữu cơ, được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Đồng thời, góp phần cung cấp thông tin về một số chủng loài vi khuẩn có khả năng phân giải chlorpyrifos của nước ta.

Chlorpyrifos là một chất độc thần kinh, gây bất hoạt enzyme acetyl cholinesterase, có vai trò điều hòa sự dẫn truyền thần kinh, từ đó gây chết côn trùng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trừ sâu quá mức và không đúng cách dẫn đến dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép trong nông sản và thực phẩm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Chúng có thể gây ra ngộ độc cấp tính và nguy hiểm cho người và động vật, đặc biệt là động vật chân đốt và các loài thủy sinh.

Vi khuẩn từ lâu được các nhà khoa học biết đến với khả năng phân giải thuốc trừ sâu và các hợp chất dị sinh có hại khác trong đất. Chúng không chỉ có khả năng sinh trưởng nhanh, thích nghi tốt với các điều kiện môi trường sống khác nhau, không cạnh tranh đất với thực vật, mà còn có khả năng tạo ra môi trường thuận lợi cho hệ thống rễ cây tăng trưởng tốt trong đất.

Từ 50 mẫu đất thu thập được ở 50 nơi trồng lúa, rau màu và cây ăn quả, nhóm tác giả đã phân lập được 107 chủng vi khuẩn có khả năng sinh trưởng trên môi trường muối khoáng (MSM) bổ sung 300 μg/mL chlorpyrifos. Trong đó, đề tài đã tuyển chọn được 20 chủng vi khuẩn có khả năng sinh trưởng mạnh trên môi trường MSM – Agar 300 μg/mL chlorpyrifos là: Burkholderia vietnamiensis (2.8), Ochrobactrum intermedium (2.10), Bacillus megaterium (3.6), Pseudomonas luteola (5.1), Bacillus curculans (5.2), Pantoea dispersa (5.4), Paenibacillus validus (6.2), Burkholderia graminis (6.3), Paenibacillus nanensis (8.2), Pseudomonas duriflava (13.1), Pseudomonas citronellolis (13.3), Burkholderia diffusa (13.4), Bacillus megaterium (15.3), Burkholderia graminis (16.2), Burkholderia stabilis (16.3), Klebsiella pneumonia (18.1), Burkholderia vietnamiensis (26.1), Pseudomonas nitroreducens (27.2), Pseudomonas aeruginosa (30.1), Ochrobactrum tritici (49.1). Các chủng tuyển chọn được định danh theo phương pháp phân tích hình thái, sinh lí, sinh hóa dựa trên khóa phân loại Bergey 1994 thuộc 7 chi (Burkholderia, Ochrobactrum, Pseudomonas, Bacillus, Pantoea, Paenibacillus và Klebsiella).

Trong đó, 4 chủng là Pseudomonas duriflava 13.1, Bacillus megaterium 15.3, Burkholderia graminis 16.2 và Burkholderia stabilis 16.3 có khả năng phân giải chlorpyrifos trên môi trường MSM – Agar chứa 100 – 300 μg/mL chlorpyrifos mạnh nhất, độ lớn vòng phân giải đạt 7 - 11 mm sau 10 ngày nuôi cấy. Chủng Burkholderia stabilis 16.3 được phân lập từ ruộng lúa (tỉnh Bình Dương) có khả năng phân giải chlorpyrifos trên môi trường có hoặc không có sự hiện diện của glucose, làm giảm lượng chlopyrofos lần lượt là 189,22 và 173,13 μg/mL sau 15 ngày nuôi cấy.

 

Nguồn: cesti.gov.vn

Số lượt đọc: 4153

Về trang trước Về đầu trang