Tin KHCN trong nước
Vệ tinh MicroDragon do các kĩ sư Việt Nam thiết kế đã được phóng vào không gian (22/01/2019)
-   +   A-   A+   In  

Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, vệ tinh MicroDragon do các kĩ sư Việt Nam thiết kế đã được phóng vào không gian sáng ngày 18/1/2019 theo giờ Việt Nam, tại Trung tâm vụ trụ Uchinoura, Nhật Bản.

Vệ tinh MicroDragon (50 kg) của Việt Nam cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4. Khoảng 8h55, vệ tinh của Việt Nam đã được tách ra thành công ở độ cao 511 km.

Dự kiến sau khi phóng khoảng 1 - 2 ngày, vệ tinh MicroDragon sẽ thu nhận được những tín hiệu đầu tiên; sau khi hoạt động thử nghiệm trên quỹ đạo trong khoảng từ 1 -3 tháng, vệ tinh có thể vận hành ổn định theo đúng thiết kế. Hiện nay, vệ tinh đang được phối hợp điều khiển bằng hệ thống trạm mặt đất của Đại học Tokyo, ISAS/JAXA và Đại học Tokyo Denki, tại Nhật Bản.

MicroDragon là một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. 

Cụ thể, Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 1 vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50 kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản”.

Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do VNSC nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.
 

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4231

Về trang trước Về đầu trang