Tin KHCN trong nước
Thùng rác chứa ấu trùng xử lý rác (16/01/2019)
-   +   A-   A+   In  
Thùng rác chứa ấu trùng xử lý rác là sản phẩm của hai em Nguyễn Thanh Mai và Nguyễn Thị Thu Phương (học sinh lớp 8D, Trường Trung học cơ sở An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng)

Theo quan sát của chúng tôi, chiếc thùng rác biết... ăn rác này được làm bằng inox và có một phần hình chữ nhật để nuôi ấu trùng.

 

Bên trên thùng có nắp đậy kín để mùi hôi không thoát ra ngoài, bên dưới có lỗ nhỏ để thoát nước, bên cạnh hàn một chiếc phễu.

 

Theo em Nguyễn Thanh Mai, chiếc thùng đựng rác này có chứa ấu trùng ruồi lính đen, những sinh vật sẽ ăn rác hữu cơ để lớn lên.  

 

“Ấu trùng ruồi khi đủ lớn sẽ bò lên chiếc phễu và rơi vào chiếc khay đặt sẵn. Sau 18 ngày thì ấu trùng đủ lớn, chúng ta có thể đem ấu trùng ruồi (hay còn gọi là sâu canxi) cho gia cầm ăn vì loài này có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.

 

Còn lại phân ruồi và một chút rác hữu cơ còn sót lại sẽ được dùng để bón cho cây.”, em Mai cho biết.

 

Thùng rác của 2 em Mai và Phương làm hết tổng chi phí 500 nghìn đồng, chứa được khoảng 5 kg rác và mất khoảng 2,5 ngày để ấu trùng ruồi xử lý rác.

 

Bản thiết kế thùng rác chứa ấu trùng ruồi lính đen của Thu Phương và Thanh Mai

 

Theo em Nguyễn Thị Thu Phương, để có được ấu trùng ruồi lính đen, các em sử dụng xơ dừa, xơ mít làm ẩm đến 80% rồi đưa vào bụi cây râm mát rụ ruồi bố mẹ đến đẻ trứng.

 

Sau 3- 4 ngày là có trứng để đưa vào thùng rác nuôi. Nếu cần nhiều thì có thể liên hệ với các cơ sở nông, lâm nghiệp để mua.

 

Cô giáo Mai Như Huế, giáo viên hướng dẫn em Nguyễn Thanh Mai và Nguyễn Thu Phương thực hiện đề tài cho biết: “Việc nuôi ấu trùng ruồi lính đen đã được sử dụng nhiều trên thế giới.

 

Ở Việt Nam có nhiều trang trại nuôi ấu trùng ruồi lính đen, còn hộ gia đình thì chưa. Trong khi đó, rác hữu cơ như cơm thừa, canh cặn, bánh kẹo ở các hộ gia đình là rất nhiều.

 

Nếu ở các chung cư, khu dân cư mà đặt những thùng rác này thì sẽ rất tốt cho môi trường”.

 

Nhộng ruồi lính đen được dùng làm thức ăn cho gia cầm

 

Hiện nay, tại nhà của cô Mai Như Huế, 2 “chủ nhân” của chiếc thùng rác và 2 hộ gia đình khác đều sử dụng chiếc thùng rác đặc biệt này.

Nguồn: Giaoduc.net.vn

Số lượt đọc: 3057

Về trang trước Về đầu trang