Tin KHCN trong nước
Công nghệ mới tái chế rác thải nhựa mà không cần phân loại (22/11/2019)
-   +   A-   A+   In  

Không giống như phương thức tái chế vật lý truyền thống, công nghệ mới không yêu cầu phải phân tách nhựa theo loại và màu sắc mà có thể tái chế mọi thứ, từ hộp sữa, đồ lặn, thậm chí cả phụ phẩm gỗ.

Các nhà khoa học Australia đang nghiên cứu phát triển một công nghệ mới hướng tới việc có thể tái chế tất cả các loại nhựa để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải hiện nay.

 

Công nghệ mới này đã được cấp bằng sáng chế và là kết quả hợp tác nghiên cứu của Tiến sĩ Len Humphreys, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Licella, cùng Giáo sư Thomas Maschmeyer thuộc Đại học Sydney.

 

Công nghệ này được kỳ vọng có thể xử lý hầu hết các loại rác thải nhựa hiện đang không thể tái chế.

 

Các tác giả của công nghệ mới này cho biết, cơ chế hoạt động của công nghệ mới là chuyển đổi các loại rác thải nhựa thành chất lỏng hoặc hóa chất hình thành nên chất liệu đó.

 

Công nghệ này sử dụng lò phản ứng thủy nhiệt xúc tác (Cat-HTR) xử lý các loại rác thải nhựa thông qua một hình thức tái chế hóa học làm thay đổi nhựa ở cấp độ phân tử, sử dụng nước nóng ở áp suất cao để biến chúng trở lại thành dầu. Từ đó, dầu có thể biến thành hóa chất bitumen, xăng hoặc các loại nhựa khác.

 

Tiến sĩ Humphreys cho biết công nghệ Cat-HTR đã được cấp bằng sáng chế khác với các công nghệ nhựa - dầu hiện có như nhiệt phân.

 

Không giống như phương thức tái chế vật lý truyền thống, công nghệ mới không yêu cầu phải phân tách nhựa theo loại và màu sắc mà có thể tái chế mọi thứ, từ hộp sữa đến đồ lặn và thậm chí cả các phụ phẩm gỗ.

 

Công nghệ này đã được Công ty Licella thử nghiệm trong gần 10 năm qua tại một nhà máy thí điểm ở một bờ biển tại bang New South Wales và đã sẵn sàng được đưa ra thương mại hóa.

 

Hiện Công ty Licella đang triển khai mở nhà máy tái chế thương mại đầu tiên theo công nghệ mới tại Vương quốc Anh. Ông Humphreys cho biết Chính phủ Anh có chính sách tài trợ và môi trường phát triển thuận lợi hơn nhiều so với ở Australia.

 

Theo Công ty Licella, với công nghệ mới này, một cơ sở thương mại có thể xử lý khoảng 20.000 tấn nhựa mỗi năm.

 

Công nghệ nói trên được các chuyên gia đánh giá cao và Bộ trưởng Môi trường Australia Sussan Ley cũng cho biết Chính phủ đang đàm phán với Công ty Licella để có thể hỗ trợ phát triển công nghệ này tại Australia.

 

Trung bình, người dân Australia thải ra khoảng 3,5 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 10% trong số đó được tái chế. Phần còn lại thường được xử lý bằng cách chôn xuống đất, đốt cháy hoặc vận chuyển ra nước ngoài.

 

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 2788

Về trang trước Về đầu trang