Tin KHCN trong nước
Nông dân chế máy bắt sâu công suất 0,5 ha một ngày (05/01/2019)
-   +   A-   A+   In  
Máy có thể "hút" được các loại sâu nguy hại như sâu xanh, bọ xít muỗi... ở rau, chè giúp người dân không mất nhiều công chăm sóc.

Trong lễ vinh danh "Nhà khoa học của Nhà nông" mới đây không chỉ nhà khoa học được xướng tên, những nông dân sáng chế công cụ hữu ích giúp bà con nông dân cải thiện điều kiện canh tác cũng vinh dự lọt vào danh sách. Ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là một trong số đó.

Là nông dân ở đất chè, ông Hoàn chứng kiến cảnh bà con chăm sóc cây chè vất vả nhưng năng suất không cao, lại thường xuyên bị sâu bệnh trong khi chè là cây chủ lực. Để làm chè sạch không được phun thuốc sâu nên hàng ngày bà con phải vạch lá, bắt từng con sâu nhưng cũng không hết.

Với 2 ha chè của gia đình ông Hoàn cùng cả vợ và con đi bắt sâu từ sáng đến tối cũng không xong. Năm 2008, ông Hoàn có ý tưởng chế tạo máy "hút" sâu cho chè khi vốn kiến thức về nghề cơ khí chỉ là con số không.

Tự mày mò, tìm kiếm tài liệu cuối cùng ông cũng tạo ra hình hài cái máy hút sâu. Máy có cấu tạo đơn giản gồm động cơ nhỏ chạy bằng xăng và cải tiến từ máy cắt cỏ. Ông tháo bỏ bánh răng sắt của máy cắt cỏ, lắp thêm cánh quạt gió và ống bầu.

Máy hoạt động theo nguyên lý sâu bọ bị hút vào trong ống bầu nhờ sức hút của cánh quạt gió. Người dùng chỉ cần dùng máy lướt nhẹ trên ngọn chè, đi dọc theo rãnh luống, toàn bộ sâu bọ bám trên lá chè sẽ bị lực của gió hút vào trong.

Để có được kết quả này không ít lần ông Hoàn phải chịu thất bại do máy công suất nhẹ thì không hút được sâu, tăng công suất và tốc độ quay lớn hơn thì hút cả ngọn chè. Không bỏ cuộc, ông thử nghiệm nhiều lần và cuối cùng chọn được tốc độ hợp lý, máy chạy trơn tru.

Không chỉ hút sâu, bướm, cả trứng sâu phía sau mặt lá cũng bị hút tuốt vào ống. Khi hút xong người dân chỉ cần đổ sâu ra và xử lý. Mỗi ngày máy hút được khoảng 0,5 ha chè và chỉ tốn 2,5 lít xăng. Máy dùng được cho cả cây chè và rau.

Sáng chế của ông Hoàn không chỉ giúp người sản xuất nông nghiệp đỡ độc hại, môi trường đất không bị tiêu diệt vi sinh vật có lợi, người dùng được sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch. Máy được hoàn thiện với giá 3 triệu đồng, nhiều bà con trong vùng đã tìm mua.

Ông Hoàn (thứ tư từ trái qua, hàng đầu) trong lễ tôn vinh Nhà khoa học của Nhà nông. Ảnh: Anh Tuấn.

Ông Hoàn (thứ tư từ trái qua, hàng đầu) trong lễ tôn vinh "Nhà khoa học của Nhà nông". Ảnh: Anh Tuấn.

Từ thành công này, ông Hoàn tiếp tục chế tạo máy bón phân tra hạt, máy khoan lỗ trồng cây, máy cấy lúa, máy đào rãnh... trong đó phổ biến và đáng chú ý nhất là cải tiến thành công chiếc máy đốn chè.

Với những thành tích này ông Hoàn là một trong 53 gương mặt tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân lựa chọn trong Chương trình tôn vinh "Nhà khoa học của Nhà nông" tổ chức ngày 11/12/2018. 

Ông từng được trao giải nhì cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ III"; bằng khen của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2016); bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương hội Nông dân Việt Nam các năm (2010, 2012, 2015).

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 2795

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)