Tin KHCN trong nước
Thuyền không người lái của sinh viên: Vừa giám sát ô nhiễm, vừa cứu hộ trên biển (18/12/2018)
-   +   A-   A+   In  

Ngoài thực hiện quan trắc môi trường ở những vị trí mà con người khó tiếp cận được, chiếc thuyền này còn có khả năng tự thực hiện việc cứu hộ trên biển.

Sản phẩm này do một nhóm sinh viên gồm: Bùi Quốc Chiến, Nguyễn Đăng Khoa, Đặng Cao Cường, cùng học Khoa Điện – Điện tử, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM sáng chế.

Ô nhiễm môi trường biển, xả thải ra biển mà lớn nhất là vụ Fomosa ở Hà Tĩnh năm 2016 khiến nhóm rất quan tâm. Điều này thôi thúc các thành viên nhóm tạo ra một loại thuyền tự hành, giám sát mọi “di biến động” của môi trường biển.

Loại thuyền này giúp con người có thể giám sát từ xa, theo thời gian thực môi trường biển mà không cần phải thực hiện các công việc lấy mẫu, kiểm tra thủ công như trước đây.

Theo Bùi Quốc Chiến, việc ứng dụng thuyền tự hành có thể giúp con người giám sát chất lượng nước ở ao, hồ, kênh, rạch, bờ biển… một cách thường xuyên, bất kể điều kiện thời tiết và địa hình nào.

“Việc quan trắc các chỉ số môi trường thực hiện tự động với độ chính xác cao, nên không thể có chuyện sửa chữa thông số, nhằm báo cáo sai lệch về chất lượng nước”- Chiến chia sẻ.

Các chỉ số chất lượng môi trường nước được thiết lập sẵn, thuyền tự hành sẽ tự động lấy mẫu, kiểm tra và gửi dữ liệu về máy chủ theo một quy trình đã được lập trình.

Ngoài ra, nhóm còn hướng đến việc trang bị cho thuyền tự hành khả năng “cứu hộ” trong các trường hợp khẩn cấp mà con người cần sự giúp đỡ. Cụ thể, thuyền tự hành sẽ tuần tra biên giới trên biển, tìm kiếm người mất tích, cứu hộ bằng cách cung cấp áo phao, thực phẩm cho người bị nạn.

“Muốn làm được điều đó thuyền phải trang bị nhiều loại cảm biến, camera quan sát, hệ thống phân tích dữ liệu… Cần phải có đầu tư về công nghệ lớn mới có thể gia tăng những tiện ích cho thuyền tự hành”- Đặng Cao Cường, thành viên nhóm nói.

Hiện tại, nhóm đã hoàn thiện mô hình thuyền tự hành với cấu tạo chính gồm có 2 khoang. Chia sẻ về thiết kế khá đặc biệt này, thành viên nhóm cho biết, việc thiết kế 2 khoang giúp thuyền vững chãi hơn và không bị lật úp trong trường hợp thời tiết xấu.

Ngoài ra, việc có 2 khoang sẽ giúp thuyền có thêm không gian để thực hiện hoạt động cứu hộ cũng như lắp đặt các hệ thống thiết bị điện tử, cảm biến phục vụ cho việc quan trắc môi trường.

Thân thuyền được làm bằng vật liệu composite với các ưu điểm như nhẹ hơn khoảng 50% trọng lượng tàu gỗ hoặc thép cùng cỡ. Điều này giúp sức bền thuyền cao do ít bị ăn mòn, không bị tác động bởi muối hoặc các hóa chất trong môi trường nước. Tính chất đàn hồi thấp của composite làm cho thuyền có khả năng chịu va đập. Chi phí bảo trì thuyền thấp do không bị rỉ sét.

Nhóm cũng đã hoàn thiện thuật toán điều khiển, lập trình hành trình cho thuyền với sai số thấp. Thuyền có thể tự hành trên nền bản đồ của Google với lộ trình được thiết lập sẵn.

Theo Nguyễn Đăng Khoa, nhóm đã tiến hành thử nghiệm mô hình thuyền tự hành trên bể bơi và cho kết quả tốt khi thuyền có thể tự lấy thông tin môi trường và di chuyển theo lập trình có sẵn.

“Sắp tới nhóm sẽ tiến hành thử nghiệm ở các sông, suối, kênh rạch, thậm chí đưa ra biển với những điều kiện thời tiết và môi trường phức tạp hơn. Việc thử nghiệm này giúp nhóm chỉnh sửa cấu tạo, thiết bị trên thuyền thật tối ưu để thuyền có khả năng hoạt động tốt nhất trong mọi điều kiện”- Khoa nói.

Sản phẩm thuyền không người lái của nhóm đã đạt giải ba, lĩnh vực kỹ thuật, cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức năm 2018.

Nguồn: khampha.vn

Số lượt đọc: 4269

Về trang trước Về đầu trang