Tin KHCN nước ngoài
Đức cam kết đầu tư 3 tỷ euro cho AI (06/12/2018)
-   +   A-   A+   In  
Đức vẫn thường xuyên bị chỉ trích bởi chậm đầu tư vào kỹ thuật số, đặc biệt là AI. Để cải thiện vấn đề này, Chính phủ Đức mới cam kết đầu tư 3 tỷ euro vào AI từ nay đến năm 2025, cố gắng lấp đầy khoảng trống giữa họ với các quốc gia đang dẫn đầu thế giới.

Trong nhiều thế kỷ qua, hàng hóa dán nhãn “sản xuất tại Đức” (Made in Germany) từ động cơ diesel đến máy bay trực thăng, từ máy ghi đĩa đến microphone đều có chất lượng hàng đầu thế giới. Nhưng trong kỷ nguyên số, nhất là lĩnh vực nổi bật là AI, thì Đức có còn giữ được vị thế đó? Theo một nghiên cứu của công ty Medium Mỹ, Đức bị nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Israel, Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp vượt qua trong cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo,
 
 
Một nghiên cứu khác của công ty tư vấn McKinsey cho rằng, nếu Đức không đủ thành công trong việc ứng dụng AI trong các ngành công nghiệp, từ dược phẩm đến vận tải, thì trong vòng một thập kỷ tới, mục tiêu GDP vào năm 2030 có thể giảm xuống một phần ba.
 
 
Mục tiêu Cuộc cạnh tranh
 
 
Tháng 4/2018, Thủ tướng Angela Merkel đã nêu sự cần thiết phải cạnh tranh với Trung Quốc về AI, và trong một cuộc phỏng vấn với t-online.de trước cuộc họp ở Potsdam, bà cho biết, Đức đang bắt đầu thực hiện cuộc cạnh tranh này với mục tiêu “đạt và giữ vững vị trí dẫn đầu trong R&D cũng như những ứng dụng của AI tại châu Âu. AI của Đức sẽ phải đạt tới giá trị toàn cầu”.
 
 
Vì vậy, nội các Đức đã dành tới hai ngày 14 và 15/11 ở Potsdam chỉ để bàn về cách Đức sẽ trở thành nhà lãnh đạo thế giới về AI ra sao. Một trong những giải pháp đó là Đức sẽ đầu tư 3 tỷ euro (3,4 tỷ USD) vào R&D của AI từ nay đến năm 2025. Một phần của chiến lược đầu tư là Đức sẽ thiết lập một mạng lưới gồm 12 trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ AI có sức cạnh tranh quốc tế về điều kiện làm việc cũng như lương bổng. Dự kiến các trường đại học sẽ tuyển dụng thêm 100 giáo sư thuộc lĩnh vực số hóa, AI để thực hiện kế hoạch này.
 
 
 
Thủ tướng Angela Merkel muốn thúc đẩy sự nghiên cứu và phát triển AI của Đức. Nguồn: DW
 
Đức có dễ dàng đạt được vượt qua các đối thủ cạnh tranh? Michael Feindt, người thành lập Blue Yonder – một công ty của Đức chuyên về các giải pháp AI cho doanh nghiệp bán lẻ, nói với hãng thông tấn DW, “số tiền 3 tỷ euro ít hơn nhiều so với các công ty lớn như Microsoft hay Google đầu tư cho AI trong vòng 1 năm. Vì vậy, không nên nghĩ rằng Đức sẽ đột nhiên dẫn đầu thế giới và có thể cạnh tranh với Mỹ hay Trung Quốc”.
 
 
Nhận xét của Feindt là có cơ sở. Theo tổ chức Times Higher Education, các công bố về AI của Trung Quốc và Mỹ đã bỏ xa các quốc gia khác. Đây là kết quả của quá trình đầu tư của Trung Quốc, đi kèm với việc xây dựng một công viên nghiên cứu AI trị giá 2 tỷ euro ở Bắc Kinh và của Mỹ với những chương trình nghiên cứu ở nhiều trường đại học và sự đầu tư lớn từ khu vực tư nhân.
 
 
Số hóa để có dữ liệu cho AI
 
 
Hiện Đức mới đứng sau nhiều quốc gia mạnh chứ không phải rơi xuống top các quốc gia bét bảng về AI nên cũng có nhiều cơ hội đuổi kịp họ. Trong nghiên cứu của Medium, thì Đức xếp hạng 8 thế giới về số lượng các starup hoạt động trong lĩnh vực AI.
 
 
Đề phát triển AI, Đức đã xây dựng kế hoạch số hóa để tạo dữ liệu gồm 5 điểm chính: 1. Năng lực kỹ thuật số: Đào tạo các công dân về số hóa trên diện rộng, từ trẻ em đến người về hưu; 2.Xây dựng cơ sở hạ tầng số hiện đại, trong đó bao gồm một mạng internet tốc độ cao trên toàn quốc gia vào năm 2025; 3. Đổi mới sáng tạo đi kèm với chuyển đổi số: kế hoạch về AI và kỹ thuật số được thực hiện nay tại nơi làm việc của công dân; 4. Xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số: bảo vệ công ăn việc làm của công dân và duy trì đạo đức xã hội trong xã hội số; 5. Văn hóa hiện đại: từ bỏ văn hóa quan liêu.
 
 
Theo một khảo sát gần đây của Bitkom – một hiệp hội về số hóa của Đức, chỉ có 11% các doanh nghiệp của quốc gia này hiện có sử dụng AI trong công việc, phần lớn nguyên nhân là do kho dữ liệu của họ quá nhỏ để phát triển các ứng dụng AI. Do đó, kế hoạch số hóa của Đức là tạo ra một kho dữ liệu lớn sẵn sàng cho các nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ Đức sử dụng, cải thiện các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp số, ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám của các chuyên gia AI và quan trọng là sẽ nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về dữ liệu ở một số lĩnh vực nhất định.
 
 
Với một chiến lược số hóa được thông qua, thời gian cho Đức phát triển AI đã bắt đầu. “Chiến lược này đem lại một cơ hội thực sự cho Đức nhưng việc phải hoàn thành nó và gia tăng tốc độ để Đức trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới đã rất cấp bách”, Jörg Bienert – chủ tịch Hiệp hội AI Đức (KI-Verband) nói với DW. “Điều quan trọng là đảm bảo cho việc đầu tư được rót thẳng vào nghiên cứu và đảm bảo cho kết quả nghiên cứu được chuyển thành sản phẩm của ngành công nghiệp”.

Nguồn: khoahocphattrien

Số lượt đọc: 2172

Về trang trước Về đầu trang